Tháng 3 năm 2025, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), trường đại học Nông Lâm, đại học Huế, đã tổ chức cuộc họp báo cáo tiến độ dự án “Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” trong giai đoạn từ tháng 10/2024 đến tháng 2/2025. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Quản lý Tài nguyên Môi trường ERM Foundation thuộc Tập đoàn ERM Group, hướng đến bảo tồn và phát triển nguồn tài nguyên dược liệu bản địa, đồng thời tạo ra cơ hội sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, đặc biệt là các nhóm phụ nữ dân tộc thiểu số. Cuộc họp là dịp để CRD trình bày các kết quả đạt được, những khó khăn trong quá trình triển khai và kế hoạch thực hiện các hoạt động tiếp theo.
Tham dự cuộc họp có ông Hồ Văn Ngưm Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới; ông Trương Quang Hoàng,Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), Đại học Nông lâm, Đại học Huế; ông Lê Văn Nam, Điều phối viên dự án. Cùng tham dự có đại diện các cơ quan ban ngành liên quan và đại diện các xã thuộc khu vực dự án. Trong cuộc họp, các thành viên đã thảo luận và đánh giá toàn diện các hoạt động của dự án trong giai đoạn vừa qua, đồng thời chia sẻ các phương pháp quản lý, vận hành và giải quyết những khó khăn thực tiễn.
Điều hành cuộc họp, ông Lê Văn Nam – Điều phối viên dự án
Mục tiêu chính của cuộc họp nhằm chia sẻ một cách sâu rộng về những kết quả đã đạt được trong giai đoạn từ tháng 10 năm 2024 đến tháng 2 năm 2025, đồng thời vạch ra kế hoạch hành động chi tiết cho năm 2025. Theo báo cáo, dự án đã đạt được những con số ấn tượng trong công tác nhân giống và bảo tồn cây dược liệu. Cụ thể, đã có 03 kế hoạch kinh doanh khả thi được xây dựng cho các vườn ươm, với giá thành cây giống dao động từ 3.000 đến 5.000 đồng/cây và thu nhập ngày công cho người tham gia từ 150 đến 200 ngàn đồng/công. Ước tính lợi nhuận ban đầu cho mỗi vườn ươm nằm trong khoảng 11 đến 45 triệu đồng . Về hỗ trợ kỹ thuật nhân ươm, dự án đã ươm được 12.500 cây giống, trong đó có 1.200 cây giống đạt tiêu chuẩn để trồng vào rừng, bao gồm các loại dược liệu như Sâm xuyên đá, sói rừng, thiên lý hương và thiên niên kiện. .
Dự án cũng chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, đã có 01 sự kiện truyền thông về chủ đề “Phụ nữ tham gia tốt trong công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên” thu hút nhiều đội thi văn nghệ và hơn 100 người dân tham gia tìm hiểu về quản lý tài nguyên. Bên cạnh đó, 06 buổi sinh hoạt cộng đồng đã được tổ chức về chủ đề nhận biết và cách sử dụng cây dược liệu, với sự tham gia của 240 người dân, giúp nâng cao nhận thức về nhận biết, sử dụng và khai thác bền vững nguồn tài nguyên này. Ngoài ra, dự án đã tổ chức 07 chuyến tuần tra bảo vệ rừng, góp phần nâng cao khả năng nhận diện cây dược liệu và thu thập giống phục vụ gieo ươm.
Trong việc phát triển sản phẩm mới, dự án đã tổ chức 02 khóa tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sơ chế chè dây và chè Ar Lang cho 30 học viên. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy 02 sản phẩm trà sấy khô từ chè dây và chè Ar Lang đã đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn và hạn chế trong giai đoạn vừa qua, như nguồn cây giống dược liệu từ rừng còn hạn chế, tỷ lệ ươm thành công của một số loài còn thấp (thiên lý hương tỉ lệ sống dưới 30%), thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến chất lượng ươm giống, sự bị động trong triển khai các hoạt động truyền thông và tuần tra rừng lồng ghép.
Năm 2025, dự án chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng với mục tiêu 60 buổi seminar về các chủ đề biến đổi khí hậu, quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học và giới. Hoạt động tuần tra bảo vệ rừng và giám sát tài nguyên cây thuốc sẽ được tăng cường với 45 chuyến tuần tra rừng. Dự án cũng sẽ hỗ trợ máy móc để sản xuất sản phẩm từ cây thuốc và tổ chức 02 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất, chế biến cho 30 thành viên. Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2025 là việc tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và chuẩn bị 01 bộ hồ sơ chứng nhận OCOP cho sản phẩm từ cây thuốc, hướng tới đạt tối thiểu ba sao. Đồng thời, dự án sẽ thiết lập ít nhất 01 kênh bán hàng trực tuyến và tổ chức 02 lần/năm giới thiệu sản phẩm tại hội chợ.
Để đạt được những mục tiêu này, dự án đã đề xuất nội dung phối hợp và hỗ trợ cụ thể với các cơ quan, đơn vị liên quan. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tham vấn về sản phẩm tiềm năng OCOP và hỗ trợ các thủ tục đăng ký. Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp sẽ tư vấn kỹ thuật cho 03 nhóm vườn ươm, đảm bảo tỷ lệ sống trên 70%. Hạt kiểm lâm huyện A Lưới và Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền sẽ tư vấn về khu vực trồng cây dược liệu và hỗ trợ giám sát. UBND các xã dự án sẽ cung cấp thông tin về sản phẩm OCOP tiềm năng, phối hợp chọn hộ trồng cây và hỗ trợ kết nối tiêu thụ cây giống và 15 Cộng đồng Quản lý bảo vệ rừng tại 03 xã sẽ trực tiếp tham gia tuần tra và quản lý 40.000 cây dược liệu.
Cuộc họp báo cáo tiến độ đã diễn ra thành công tốt đẹp, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và những nỗ lực không ngừng nghỉ của dự án trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên cây thuốc nam bản địa, đồng thời tạo ra những cơ hội sinh kế bền vững cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới. Những con số ấn tượng được công bố tại cuộc họp là minh chứng rõ ràng cho những bước tiến vững chắc của dự án, hứa hẹn một năm 2025 với nhiều thành tựu đáng mong đợi.
Toàn cảnh cuộc họp, tham dự có đại diện các cơ quan ban ngành liên quan và đại diện các xã thuộc khu vực dự án