Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Những người đeo đuổi mục tiêu sản xuất ra những sản phẩm thân thiện với môi trường, an toàn cho người tiêu dùng, trái với tình trạng sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật – vì thế loại rau này cũng được gọi là “rau tử tế” – đang tạo ra sự thay đổi nhận thức rộng lớn cho nghề trồng rau.

“RAU TỬ TẾ VÀ VỊ TRÍ THƯỢNG HẠNG”

Gần đây, rau Đà Lạt do các công ty như Golden Garden, Organic Dalat trồng… được dán nhãn mác, tem của nhà trồng rau và được tiêu thụ tại những khách sạn, khu du lịch lớn trong cả nước. Một số siêu thị cũng săn đón thứ “rau tử tế” này. Các loại rau này được xếp hạng cao cấp và có giá bán cao gấp 6-30 lần so với rau trồng đại trà ở Đà Lạt.

Theo thống kê, diện tích rau Lâm Đồng khoảng 15.000ha, với trên 900.000 tấn/năm thì diện tích trồng để cho ra những sản phẩm có vị trí thượng hạng chỉ khoảng 25ha, mỗi ngày cho ra tối đa 60 tấn.

Để có được 25ha rau “đẳng cấp thượng hạng”, người ta phải mất đúng… mười năm. Năm 1997, thương nhân người Anh tên Shark Taget lập trang trại trồng rau xanh ở vùng Nguyên Tử Lực (Đà Lạt) với Công ty Bio – V (Bio – Organization VN), để cung cấp cho các khách sạn phục vụ khách nước ngoài. Nông dân Đà Lạt nhìn vào mô hình trồng rau khép kín, tỉ mỉ, cầu kỳ của Bio – V thấy rất khác thường, xa lạ với thói quen canh tác của họ. Sau Bio – V, các khách sạn lớn ở VN còn nghe đến cái tên Golden Garden – do một người Mỹ phối hợp cùng tiến sĩ Nguyễn Bá Hùng. Trong năm năm trở lại đây, tại Đà Lạt có thêm các thương hiệu rau sạch của nông trại Thi Thư, Nhà Xanh, Thanh Sơn, Xuân Hương, Ánh Ban Mai, Sao Việt, Anh Đào, Organic Dalat… Không chỉ cung cấp rau xanh hằng ngày cho hệ thống nhà hàng cao cấp, các hãng hàng không, có trang trại rau như của Organic Dalat còn tìm cách bán lẻ đến từng hộ dân trong khu Phú Mỹ Hưng, An Phú… ở TP.HCM.

CÔNG NGHỆ TRỒNG “RAU TỬ TẾ”

Các trại trồng rau an toàn ở Đà Lạt đang sử dụng lối canh tác hoàn toàn khác với lối canh tác truyền thống VN. Người ta không sử dụng nước suối, nước hồ mà đều khoan lấy nước ngầm hay đào những giếng nước, trữ chứa có cách ly xung quanh để tưới.

Không có những vườn rau bát ngát thường thấy ở Đà Lạt, các trại rau này được cách ly. Mọi sự chung chạ đều dẫn đến lây nhiễm. Rau an toàn không còn an toàn khi tưới bằng nguồn nước không an toàn. Do vậy, trang trại của Công ty Ánh Ban Mai đặt sát mép rừng ở vùng Đất Mới (P.6), còn của Organic Dalat đưa về tận vùng Đa Quý ở xã ngoại vi Xuân Thọ…

Ở đây, người ta không bao giờ phun những thứ thuốc có nguồn gốc hóa học mà thay vào đó là thuốc vi sinh – dùng vi khuẩn có lợi cho cây rau phun vào để diệt trừ sâu bệnh. Những thứ thuốc hay phân bón đều được nhập từ Ấn Độ, Israel, Nhật Bản, Mỹ hay Pháp. Nhà trồng rau Ánh Ban Mai cứ 20 ngày đến một tháng rưỡi tự mang mẫu rau đi kiểm nghiệm ở Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt và trình kết quả này cho khách hàng khi bán rau. Còn Organic Dalat mời Tổ chức UEREP-GAP (của EU – bộ đánh giá tiêu chuẩn về rau quả thực phẩm) thẩm định và chứng nhận độ an toàn rau sản xuất từ nông trại của họ.

Ngoài ra, chính căn nhà kính bao bọc khá kỹ cũng góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của bướm hay côn trùng gây hại vào rau. “Chúng tôi không cho phép mình tạo ra những sản phẩm rau còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay hàm lượng nitrat, kim loại nặng lẫn các ký sinh trùng gây bệnh đường ruột có trong đó” – giám đốc kỹ thuật của Công ty Ánh Ban Mai, kỹ sư sinh học Lê Văn Cường, nói.

RAU NÀY AI TRỒNG???

Theo TS Nguyễn Bá Hùng, “triết lý” làm rau sạch của ông là “vì dinh dưỡng và sức khỏe con người!”. Ông Hùng bày tỏ sự vui mừng khi gần đây người tiêu dùng VN đòi hỏi cao hơn với người sản xuất, đó là quyền được sử dụng thực phẩm an toàn. Đòi hỏi đó ngày càng tăng và là áp lực với người trồng rau. Người trồng rau không có con đường nào khác là phải đáp ứng sự đòi hỏi khắt khe đó.

Ông Hùng khẳng định “đã đến lúc từng bó rau ở siêu thị phải có lý lịch, nguồn gốc rõ ràng”. Còn theo ông Trần Đức Quang – chủ nhiệm HTX trồng rau Xuân Hương, người tiêu dùng đang dần hình thành thói quen đặt câu hỏi “rau này của ai?” khi mua hàng.

Kỹ sư Lê Văn Cường dự báo sẽ có “bùng nổ” về sản xuất rau sạch hướng đến sức khỏe của con người trong vòng 2-3 năm tới. Theo TS Phạm S – phó giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, tỉnh đang đào tạo cán bộ để chuyển giao kỹ thuật trồng và đánh giá chất lượng rau theo tiêu chuẩn GAP (thực hành nông nghiệp tốt) và chủ động cấp giấy chứng nhận rau “đạt tiêu chuẩn” GAP (Việt GAP) cho nhà vườn. Nông dân cũng được tiếp cận công nghệ mới về sản xuất, với nhà phân phối để họ hiểu thị trường đang cần gì, qua đó điều chỉnh thói quen sản xuất.

Theo TTO

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x