Cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD), Đại học Nông Lâm đã tổ chức Hội thảo báo cáo tổng kết dự án “Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu cho đồng bào dân tộc thiểu số tại miền trung Việt Nam”. Dự án được tài trợ bởi Quỹ Sáng kiến khí hậu quốc tế (IKI) thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Hội thảo diễn ra tại UBND huyện A Lưới
Mục tiêu của dự án bao gồm nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất nông nghiệp tại địa phương và các thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với địa phương; thí điểm và nhân rộng các mô hình nông nghiệp thông minh để tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu; kết nối thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm của các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.
Tham dự hội thảo có ông Hồ Văn Ngưm -Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ; Tiến sĩ Hồ Lê Phi Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) – Đơn vị thực hiện dự án, đại biểu các phòng ban liên quan và bà con hưởng lợi từ dự án.
Tại hội thảo, ông Phan Văn Hùng – Điều phối viên dự án đã báo các các kết quả nổi bật của dự án, đó là: Cộng đồng DTTS tại hai xã dự án nhận thức được tác động của biến đổi khí hậu và các thực hành nông nghiệp thông minh phù hợp (1); các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu đã được thí điểm và nhân rộng (2); chuỗi giá trị sản phẩm của các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu được kết nối với thị trường (3).
Ông Phan Văn Hùng – Điều phối viên dự án báo các các kết quả của dự án
Dự án đã nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số về các tác động của biến đổi khí hậu và các thực hành nông nghiệp thông minh phù hợp. Cụ thể, 50 người là cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, trưởng thôn, chi hội phụ nữ, nông dân đã được đào tạo về biến đổi khí hậu và nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu thông qua các lớp tập huấn giảng viên nguồn (ToT). Dự án cũng đã tổ chức các chuyến tham quan học tập cho nông dân, cụ thể có 24 người là cán bộ phụ trách nông nghiệp xã, trưởng thôn, chi hội phụ nữ, nông dân được tham quan và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật trồng lúa 3 tăng – 3 giám, nuôi lợn đen và kỹ năng quản lý điều hành nhóm sản xuất. Từ đó, hơn hai trăm người dân đã nắm được các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp và 80% trong số đó bắt đầu áp dụng những kiến thức được học vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Dự án đã xây dựng thí điểm và nhân rộng 05 mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu.Mô hình đầu tiên là mô hình “Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu”, trong đó đã thay thế một phần phân bón hóa học bằng phân chuồng hoai mục; bón phân theo từng thời kỳ sinh trưởng của cây lúa; sử dụng giống lúa có năng suất cao, có tính chống chịu với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giảm lượng lúa giống gieo sạ và tưới nước tiết kiệm theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Mô hình thứ 2 là mô hình “Quản lý phân chuồng thông minh để giảm phát thải”. Người dân tham gia mô hình này đã xây dựng các hố thu gom phân và chất thải; được hướng dẫn các kỹ thuật ủ phân chuồng ; xây dựng các hầm khí sinh học làm chất đốt và sử dụng phân chuồng để làm thức ăn nuôi giun quế. Bên cạnh quản lý phân chuồng, dự án cũng hỗ trợ người dân triển khai mô hình “Cải tạo chuồng trại thích ứng với sự thay đổi của thời tiết cực đoan”,phù hợp với điều kiện thời tiết của địa phương. Ngoài ra, mỗi chuồng trại đều có hố thu gom phân và nước thải để hạn chế ô nhiễm môi trường. Dự án cũng đã xây dựng mô hình “Ủ chua thức ăn cho chăn nuôi lợn nhằm giảm phát thải”, trong đó tận dụng các nguyên liệu sẵn có tại địa phương như cám gạo, bột bắp và các loại rau xanh để ủ chua thanh thức ăn nuôi gia súc. Một mô hình nổi bật nữa của dự án là mô hình sử dụng chất thải trong chăn nuôi trâu, bò, lợn để nuôi giun quế làm thức ăn trong chăn nuôi, cung cấp phân bón cho cây trồng, từ đó góp phần đáng kể để giải quyết vấn đề xử lý chất thải của hoạt động chăn nuôi..
Bên cạnh các kết quả về nâng cao năng lực và kỹ thuật canh tác của người dân hay xây dựng các mô hình nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án còn đạt được kết quả đáng ghi nhận trong kết nối thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm từ các mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu. Đã có 04 nhóm sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được thành lập trong khuôn khổ dự án , trung bình mỗi nhóm có 32 người. Thành viên các nhóm sản xuất được trang bị các kiến thức về thị trường, lập kế hoạch sản xuất kinh doanh, kỹ năng bán hàng. Việc thành lập các nhóm sản xuất này không chỉ tạo ra lượng hàng hóa để cung ứng cho thị trường mà còn thúc đẩy sự gắn kết các thành viên trong cộng đồng, tạo diễn đàn trao đổi thông tin thị trường và tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật từ chuyên gia và cán bộ dự án. Một điểm đáng chú ý khác là sản phẩm thịt lợn rừng lai – một sản phẩm từ mô hình chăn nuôi lợn do dự án hỗ trợ đã được quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng qua các hoạt động kết nối doanh thương, các sự kiện tiếp thị, hội chợ giới thiệu sản phẩm, như Phiên chợ vùng cao tại thành phố Huế; triển lãm sản phẩm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – sản phẩm có thương hiệu tại huyện A Lưới. Đặc biệt, dự án cũng đã thúc đẩy hỗ trợ ký kết hai hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lợn thịt giữa hai nhóm hộ chăn nuôi và HTX sản xuất và kinh doanh nông sản an toàn A Lưới, tạo nền tảng phát triển đàn lợn tại xã Hồng Thượng và A Roàng, mang lại sinh kế ổn định, đặc biệt cho phụ nữ dân tộc thiểu số.
Sau 02 năm thực hiện, dự án đã đạt được một số tác động tích cực. Các hộ chăn nuôi đã biết cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, rau xanh để sản xuất thức ăn ủ chua sử dụng trong chăn nuôi. Các chất thải từ hoạt động chăn nuôi được sử dụng làm phân bón cho lúa, làm thức ăn cho giun quế và sử dụng làm chất đốt (bioga) đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Các biện pháp này không chỉ giúp đa dạng hóa và đảm bảo ổn định nguồn thức ăn cho vật nuôi mà còn giảm đáng kể chi phí chăn nuôi và giảm phát thải khí nhà kính. Ngoài ra, hoạt động quảng bá và kết nối thị trường cho chuỗi giá trị sản phẩm thịt lợn rừng lai đã tạo nền tảng cho các hộ chăn nuôi của hai xã dự án phát triển đàn lợn, mang lại sinh kế ổn định, đặc biệt cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Cụ thể, chị em phụ nữ đã trở thành các chuyên gia địa phương, đã tổ chức chia sẻ và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ gia đình khác trong cộng đồng nhằm lan tỏa kiến thức và nhân rộng các mô hình. Phần lớn thành viên của các Nhóm sản xuất là phụ nữ nên họ đã hiểu rõ hơn về kỹ thuật, từ đó giúp họ quyết định đầu tư cho hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ dân tộc thiểu số.
Bà con vùng dự án tham dự hội thảo
Tại Hội thảo tổng kết dự án, ông Phan Văn Hùng cũng đã chia sẻ những thuận lợi và khó khăn trong quá trình thực hiện dự án. Về thuận lợi, dự án đã được sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền địa phương, cấp huyện, xã, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các Tổ chức đoàn thể và người dân địa phương; đặc biệt là các hộ tham gia thực hiện mô hình đã tích cực hưởng ứng, đóng góp ngày công lao động và vật liệu để xây dựng thành công các mô hình sản xuất. Về khó khăn còn tồn tại, dịch bệnh trên đàn lợn đã hạn chế đến việc nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn và sự thiếu hụt con giống tại chỗ và các sản phẩm nông nghiệp sản xuất chưa đủ số lượng lớn để cung ứng cho thị trường.
Thông qua các báo cáo về kết quả cũng như tác động dự án, ông Hồ Văn Ngưm – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới phát biểu rằng sau khi dự án kết thúc, phía địa phương vẫn sẽ luôn sâu sát, hỗ trợ bà con phát triển những kiến thức, kinh nghiệm đã học được từ dự án; qua đó thúc đẩy và nhân rộng các mô hình mà dự án đã thực hiện, tạo tiền đề để bà con phát triển sinh kế và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cũng trong phiên hội thảo, ông Hồ Lê Phi Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) chia sẻ rằng các mô hình sản xuất do dự án hỗ trợ đều là các mô hình sinh kế bền vững, một mặt tạo tiền đề tăng thu nhập, mặt khác không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái mà còn góp phần làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính; do đó, đích đến cuối cùng của dự án là bà con tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình thí điểm, truyền tải các kiến thức học được để xây dựng cộng đồng cùng phát triển. Ông Khanh cũng nhấn mạnh rằng Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) hy vọng dự án sẽ là một khởi đầu để bà con tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng và xây dựng thành công một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Hồ Văn Ngưm – Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới luôn nhấn mạnh vai trò của địa phương trong việc duy trì và phát triển các mô hình của dự án
Ông Hồ Lê Phi Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) chia sẻ mong muốn bà con tiếp tục duy trì và nhân rộng các mô hình thí điểm cho cộng đồng xung quanh
Hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp, các mô hình sản xuất do dự án hỗ trợ đều là các mô hình sinh kế bền vững, một mặt tạo tiền đề tăng thu nhập, mặt khác không ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái mà còn góp phần làm giảm phát thải hiệu ứng nhà kính. Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) hy vọng đây sẽ là một khởi đầu mới để bà con tiếp tục phát huy những giá trị mà dự án đem lại cho cộng đồng và xây dựng thành công một nền nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tất cả các đại biểu chụp hình lưu niệm
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ: Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD)
- Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
- Điện thoại: (0234) 3529 749
- Email: Office@crdvietnam.org
- Website: Crdvietnam.org