Huyện miền núi Minh Hóa – tỉnh Quảng Bình là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều hộ gia đình sống phụ thuộc vào rừng, kinh tế chủ yếu từ lâm nghiệp. Ngoài ra huyện có hơn 6.500 người dân tộc Bru Vân Kiều và Chứt sinh sống.
Nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cơ quan ban ngành, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn huyện Minh Hóa về tiến trình FLEGT/VPA, Được sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU) và tổ chức ICCO Hà Lan, Dự án FLEGT Khu vực miền Trung cùng phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình và UBND Huyện Minh Hóa tổ chức Hội thảo: “Chương trình Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (FLEGT)” vào ngày 29/07/2014.
Hội thảo tập trung vào hai nội dung chính (1) Giới thiệu về dự án FLEGT tại Khu vực miền Trung và tiến trình tham gia vào VPA/FLEGT (2) Thảo luận mở chia sẻ những khó khăn, thuận lợi và những yêu cầu khi tham gia vào tiến trình FLEGT/VPA.
Qua những phần trình bày của mình, các chuyên gia đã giúp cho đại biểu có cái nhìn tổng thể về tiến trình đàm phán và thực thi hiệp định VPA/FLEGT và nắm bắt được thuận lợi, khó khăn khi tham gia vào tiến trình này.
Mục tiêu quan trọng nhất của Hội thảo là thu thập thông tin từ đại biểu nhằm điều chỉnh, sửa đổi các nội dung có trong định nghĩa gỗ hợp pháp (TLAS). Ban tổ chức đã chia các đại biểu thành 4 nhóm bao gồm (Nhóm 1: Các hộ nông dân trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng; Nhóm 2: Các cơ sở chế biến gỗ; Nhóm 3: Các cơ quan ban ngành hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp và Nhóm 4: Các tổ chức xã hội dân sự). Các nhóm đã tiến hành trao đổi, chia sẻ, đưa ra cơ hội và thách thức khi tham gia vào tiến trình. Một số kết quả thảo luận đáng ghi nhận từ các nhóm gồm
Nhóm hộ trồng rừng cho biết “Để nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các nhóm hộ trồng rừng phải làm nhiều thủ tục như (1 đăng ký nhu cầu sử dụng đất, 2 xã thành lập hội đồng và xét duyệt, 3 xã thông báo danh sách các hộ được cấp sổ đỏ để thu thập ý kiến, thắc mắc của người dân, 4 Phòng Tài nguyên môi trường xem xét, lập bản đồ địa chính, giao đất trên thực địa và cấp giấy cho người dân địa phương.). Ngoài ra lâu nay người dân đã quen với việc bán khoán rừng cho thương lái nên chưa biết đến các thủ tục làm hồ sơ khai thác và bảng kê lâm sản.
Đối với các doanh nghiệp chế biến gỗ, Trên địa bàn huyện Gỗ rừng trồng đang bị khai thác non, nhỏ lẻ, manh mún do đó việc cung cấp hồ sơ thủ tục (bảng kê sản phẩm) rất khó khăn, khó xác minh cụ thể nguồn gốc sản phẩm
Ý kiến của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực Lâm nghiệp “Cán bộ kiểm lâm đã làm tốt công tác quản lý hỗ trợ người dân trồng rừng trong việc làm hồ sơ thiết kế khai thác, bảng kê lâm sản, đống búa kiểm lâm. Bên cạnh đó cơ quan vẫn đang gặp khó khăn trong việc xác định gỗ từ bảng kê lâm sản so với gỗ trên từng chuyến hàng, các nội dung có trong bảng kê quá chi tiết nên người lập cũng như người xác nhận rất khó kiểm tra.
Về phía các tổ chức xã hội dân sự là cầu nối cung cấp thông tin đến cơ sở nên cần thiết kế các kế hoạch truyền thông, tập huấn nâng cao năng lực cho các đối tượng này lúc đó từng nội dung cụ thể trong tiến trình mới đến tận từng người dân được.
Kết thúc Hội thảo ông Đặng Minh Hùng đại diện Chi Cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh “Dự án là một trong những chương trình thiết thực cho Huyện Minh Hóa nói riêng cũng như cho Tỉnh Quảng Bình nói chung. Thông qua Dự án, các bên có thể tiếp cận đến thị trường khó tính Châu Âu để tăng thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị của rừng. Qua đây, Tỉnh cũng như Huyện sẵn sàng phối hợp với Dự án để triển khai các hoạt động liên quan của Dự án”
Thông tin từ các bên đã thật sự có ý nghĩa cho Dự án cũng như tiến trình. Các thông tin đó là cơ sở làm thay đổi điều chỉnh, bổ sung các điều quy định có trong Định nghĩa gỗ hợp pháp (TLAS) mà Việt Nam và EU đang đàm phán xây dựng.
Sau khi kết thúc Hội Thảo Dự án sẽ tổng hợp lại các thông tin và gửi cho Tổng Cục Lâm Nghiệp trước khi Chính phủ Việt Nam ký kết hiệp định với Liên Minh Châu Âu EU vào cuối tháng 10/2014.
Quốc Tuấn