Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Từ ngày 28/5-13/6, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đã tổ chức 05 khóa tập huấn “Giới thiệu Hiệp định VPA-FLEGT và những yêu cầu về gỗ hợp pháp đối với hộ gia đình trồng rừng” tại Thành phố Huế.

Có 73 học viên đại diện cho 32 chi hội thuộc Hội các nhóm hộ có chứng chỉ rừng FSC tỉnh Quảng Trị tham gia tập huấn về chủ đề này. Tập huấn viên thúc đẩy và điều hành các khóa tập huấn là các cán bộ đại diện các tổ chức xã hội thuộc nhóm hỗ trợ thực hiện VPA-FLEGT Quảng Trị bao gồm: Hội các nhóm hộ có chứng chỉ FSC; Liên hiệp các Hội KH&KT; Câu lạc bộ Lâm nghiệp; Hội Nông dân; Trung tâm dạy nghề, tư vấn, hỗ trợ HTX và doanh nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu Phát triển nông nghiệp và Môi trường. Các tập huấn viên là 07 trong tổng số 12 người đã được dự án đào tạo trước đó.

Tại các khóa tập huấn, học viên đã được giới thiệu, cung cấp các nội dung: Hiệp định VPA-FLEGT; Vì sao Việt Nam phải tham gia ký kết VPA-FLEGT; Định nghĩa gỗ hợp pháp (LD); Hệ thống kiểm soát chuỗi cung ứng gỗ và sản phẩm gỗ. Những yêu cầu về gỗ hợp pháp đối với hộ gia đình trồng rừng sản xuất, …

Bên cạnh các nội dung lý thuyết, học viên đã thảo luận nhóm và cùng xác định những khó khăn, nguyên nhân trong việc tuân thủ yêu cầu về gỗ hợp pháp và đề xuất giải pháp khắc phục. Kết quả thảo luận sẽ là tiền đề cho việc triển khai hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho các hộ trồng rừng trong thời gian tới.

Kế tiếp hoạt động tập huấn này, dự án sẽ triển khai hỗ trợ kỹ thuật cho 35 hộ gia đình trồng rừng có chứng chỉ FSC và trồng rừng gỗ lớn tại tỉnh Quảng Trị. Hoạt động thuộc dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế” do Chương trình EU-FAO FLEGT tài trợ thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

Nguyễn Văn Nam – Bảo Hòa