Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

1. GIỚI THIỆU

Trung tâm phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án Thúc đẩy bảo tồn cây thuốc nam bản địa gắn với cải thiện sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở vùng miền núi” do Quỹ Quản lý tài nguyên môi trường (ERM foundation), thuộc Tập đoàn Quản lý Tài nguyên Môi trường (ERM Group) tài trợ. Mục tiêu của dự án là:

– Nâng cao nhận thức của cộng đồng bao gồm phụ nữ về các vấn đề liên quan trong quản lý tài nguyên bền vững.

– Đẩy mạnh quản lý, khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên dược liệu.

– Phát triển sản xuất và tạo thu nhập từ nguồn dược liệu.

Dự án sẽ hỗ trợ xây dựng vườn ươm cộng đồng gieo ươm cây dược liệu tại 3 xã của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Sản phẩm cây giống dược liệu từ vườn ươm sẽ được cung cấp cho các cộng đồng quản lý rừng để trồng dưới tán rừng cộng đồng.

CRD cần tuyển một nhóm tư vấn để hỗ trợ kỹ thuật cho hoạt động này.

2. PHẠM VI CÔNG VIỆC

2.1 Mục đích, mục tiêu

Mục đích: Sản xuất cây giống dược liệu và các cây giống khác để cung cấp cho cộng đồng quản lý bảo vệ rừng và người dân địa phương

Mục tiêu:

1) Trang bị cho người dân tham gia xây dựng vườn ươm cộng đồng các kiến thức kỹ thuật về chọn giống, ươm trồng, chăm sóc, và kỹ năng vận hành vườn ươm.

2) Thiết lập 02 hoặc 03 vườn ươm cộng đồng để ươm tạo cây giống dược liệu và các loại các loại cây giống khác.

2.2 Các yêu cầu về vườn ươm:

– Nhóm hộ cùng tham gia xây dựng và vận hành vườn ươm;

– Diện tích vườn ươm: 500 m2/vườn

– Công suất vườm ươm: 15.000 cây giống/năm

– Đối tượng sản xuất: chủ yếu là cây giống dược liệu

– Gần nguồn nước tưới tự nhiên hoặc có giếng đào, đảm bảo đủ nước tưới, nhất là trong mùa hè.

– Thuận tiện giao thông, gần đường, gần làng bản, gần nơi lấy đất đóng bầu để đỡ công đi lại và giảm chi phí chuyên chở nguyên vật liệu và sản phẩm.

– Địa hình bằng phẳng, thoát nước tốt, không bị ngập úng.

2.3 Yêu cầu về các lớp tập huấn

– Đối tượng tập huấn: nông dân tham gia xây dựng vườn ươm là người dân tộc, ở độ tuổi trên 30 và có trình độ văn hoá khá hạn chế.

– Số lượng: 20 người/lớp x 1 lớp x 3 xã

– Chủ đề, nội dung tập huấn: Tập huấn cho các hộ tham gia xây dựng vườn ươm về kỹ thuật sản xuất cây giống

– Thời lượng: 1 ngày/lớp x 3 xã, chủ yếu là thực hành

– Phương pháp: hướng dẫn tại đồng ruộng, cầm tay chỉ việc.

– Tài liệu tập huấn: Đơn giản, trình bày rõ ràng, cụ thể, phù hợp với người lớn tuổi có trình độ hạn chế.

  1. NHIỆM VỤ CỦA TƯ VẤN

1) Thiết kế vườn ươm

– Khảo sát các địa điểm đã được chọn để xây dựng vườn ươm;

– Xây dựng bản vẽ và thuyết minh thiết kế thi công vườn ươm;

– Yêu cầu thiết kế:

  • Tiêu chuẩn vườn ươm cố định sử dụng bền vững lâu dài có diện tích 500m2
  • Thiết kế vườn ươm đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của ngành lâm nghiệp.
  • Xây dựng bản vẽ thiết kế thi công vườn ươm, đảm bảo thể hiện rõ các yếu tố sau:
  • Khu vực gieo hạt, khu vực kho chứa vật liệu.
  • Khu vực vật liệu tạo bầu cây;
  • Khu vực tập kết vật tư vật liệu sản xuất
  • Hệ thống tưới phun sương tự động
  • Khu vực hỗ trợ sản xuất (hệ thống rãnh luống, đường đi trong vườn ươm..)
  • Khu vực huấn luyện và tập kết cây chuẩn bị xuất vườn.
  • Hệ thống hàng rào bảo vệ tránh gia súc phá hoại.

2) Lắp đặt thiết bị vườn ươm theo đúng thiết kế

– Lập kế hoạch lắp đặt thiết bị chi tiết cho vườn ươm

– Giám sát cộng đồng về kỹ thuật lắp đặt thiết bị và xây dựng vườn ươm: lên luống, lắp đặt trụ, hàng rào, giàn che, hệ thống tưới, bồn nước, máy bơm nước

3) Tập huấn cho các hộ tham gia xây dựng vườn ươm về kỹ thuật sản xuất cây giống

+ Xây dựng chương trình tập huấn

+ Phát triển phiếu đánh giá lớp tập huấn

+ Phát triển tài liệu tập huấn thể hiện các nội dung:

– Các bước chính xây dựng vườn ươm và sản xuất cây giống đối với một số loài được lựa chọn (ít nhất 3 loài) bao gồm chuẩn bị hiện trường, lên luống, xử lý hạt, gieo ươm, huấn luyện và xuất cây giống ra khỏi vườn đem trồng.

– Phòng ngừa sâu bệnh, chống hạn chống úng..

– Tiêu chuẩn cây giống và phân cấp tiêu chuẩn chăm sóc huấn luyện từng giai đoạn.

+ Thực hiện 01 lớp tập huấn x 2 ngày x 3 xã

+ Viết báo cáo kết quả tập huấn.

4)  Hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình vận hành vườn ươm

+ Kiểm tra vườn ươm theo định kỳ để xác định và xử lý các vấn đề về kỹ thuật

+ Hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại hiện trường khi nhóm vườn ươm có nhu cầu và dự án điều động.

+ Trao đổi với nhóm xây dựng vườn ươm, cập nhật tiến độ và kết quả thực hiện hoạt động và báo cáo cho điều phối viên dự án.

4. YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC CỦA ĐƠN VỊ TƯ VẤN

– Có trình độ thạc sỹ trở lên về lâm nghiệp hoặc các chuyên ngành phù hợp với nội dung và phạm vi công việc.

– Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về làm vườn ươm các loại cây dược liệu và cây lâm nghiệp.

– Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm về tập huấn cho nông dân về các kỹ thuật sản xuất nông lâm nghiệp

– Có kinh nghiệm làm việc ở vùng núi, và đồng bào dân tộc thiểu số.

5. NỘP HỒ SƠ

– Thư bày tỏ sự quan tâm

– Lý lịch khoa học (CV) của tư vấn

– Đề xuất mức phí tư vấn

Hồ sơ nộp đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung trước 15h00 ngày 26/4/2024 theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org;

Mọi thông  tin chi tiết, vui lòng liên hệ Bà Lê Thị Minh Hải theo số điện thoại: 0234 3529749 (số máy lẻ: 0) và email: hailtm@crdvietnam.org

Thông tin chi tiết vui lòng xem tại đây.