Toàn cảnh cuộc họp
Sáng ngày 10/12/2022 tại thành phố Huế, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD) tổ chức cuộc họp góp ý báo cáo kết quả của hoạt động “Sáng kiến khởi xướng bởi cộng đồng về kết nối tiêu thụ sản phẩm lâm sản ngoài gỗ (LSNG)”.
Nhằm mục tiêu xác thực thông tin, tham vấn ý kiến và bổ sung những sáng kiến khả thi của cộng đồng trong phát triển và tiêu thụ các sản phẩm LSNG thông qua báo cáo của tư vấn. Đồng thời, cuộc họp này là cơ hội để trao đổi thông tin về việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm LSNG giữa cộng đồng và các doanh nghiệp quan tâm.
Cuộc họp với sự tham gia của 27 đại biểu đại diện cho các tổ chức WWF tại Huế, đại diện các cộng đồng tại 3 xã A Roàng, Thượng Lộ và Thượng Nhật, đặc biệt có sự tham gia của các công ty, hợp tác xã và các hộ thu mua các sản phẩm LSNG đến từ thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Báo cáo từ phía đại diện tư vấn nhận được nhiều sự đồng tình và góp ý của các đại biểu tham gia cuộc họp. Đại diện các cộng đồng mong muốn được dự án tạo điều kiện để có cơ hội tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp để thuận lợi cho việc tiêu thụ các sản phẩm LSNG. Ông Nguyễn Văn Khây – trưởng BQL rừng cộng đồng A Ho, xã A Roàng, huyện A Lưới cho biết: “Hiện tại xã A Roàng chỉ có Công ty Liên Minh Xanh thu mua các loại LSNG, đề nghị dự án tạo cơ hội để các cộng đồng giao thương với nhiều công ty thu gom các loại LSNG để tạo cạnh tranh mua bán, giúp tăng giá thu mua cho cộng đồng”.
Ông Nguyễn Văn Khây – Trưởng BQL rừng cộng đồng thôn A Ho, xã A Roàng tham gia ý kiến tại cuộc họp
Cũng tại cuộc họp này, đại diện cho các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã,… ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH sản phẩm thiên nhiên Mẹ Ken – thành phố Đà Nẵng chia sẻ: “Các công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã nói chung và Công ty của chúng tôi nói riêng luôn rất cần nguồn nguyên liệu tự nhiên. Bên cạnh đó, nhu cầu sản xuất của chúng tôi rất đa dạng, chính vì vậy luôn cần sự đa dạng các loại cây của bà con thay vì chỉ tập trung vào một số loài cụ thể. Nếu sau này các cây dược liệu mà bà con chúng ta đang trồng đã ổn định và bão hòa thì bà con cần phải trồng thêm một số loại cây khác. Việc đa dạng loại cây sẽ giúp bà con dễ dàng tiếp cận thị trường và tiêu thụ các sản phẩm tốt hơn.”
Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn” do Tổ chức hợp tác phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ. Dự án được điều phối bởi Quỹ Bảo vệ thiên nhiên (WWF) Việt Nam với sự đồng thực hiện của CRD và Hội chủ rừng phát triển bền vững tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH – FOSDA).