Như đã giới thiệu với mọi người, bắt đầu từ tuần này, Vườn Ươm Doanh Nghiệp Xã Hội sẽ chia sẻ các bài viết giới thiệu về các doanh nhân xã hội tiêu biểu để mọi người có thể hiểu hơn về những gì họ đang làm. Doanh nhân xã hội đầu tiên mà Vườn Ươm chọn để giới thiệu với các bạn tuần này chính là chị Phạm Thị Ngân, giám đốc của Tò He. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện của chị ấy nhé!
Trẻ nhưng giản dị, thân thiện đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về nữ giám đốc Công ty cổ phần Tò He – Phạm Thị Ngân. Nhưng điều khiến tôi ấn tượng nhất có lẽ là sự khiêm tốn của chị khi chị tự nhận mình không phải là một doanh nhân giỏi.
Ước mơ Tò he
Tốt nghiệp khoa tiếng Trung – Đại học ngoại ngữ (thuộc Đại học quốc gia Hà Nội), nhưng chỉ làm ở lĩnh vực này một thời gian người phụ nữ gốc Hải Phòng đã quyết định rẽ hướng sang làm kinh doanh. Ban đầu chị và người thân mở một công ty thiết kế, sáng tạo và quảng cáo, tận dụng lợi thế trong lĩnh vực này cùng với ước mơ xây dựng thương hiệu Tò he từ những bức vẽ đầy sáng tạo của trẻ em, chị cùng chồng và bạn bè quyết định mở một công ty với tên gọi là Tò he.
Sau một thời gian tìm hiểu tại các Trung tâm có trẻ em thiệt thòi và đã khởi động thử ý tưởng mang thương hiệu “Tò he” từ năm 2007, nhưng chính thức phải đến 2 năm sau (tức năm 2009) công ty mới thực sự hoạt động. Nó là một doanh nghiệp xã hội được thành lập dưới sự hỗ trợ của Hội đồng Anh Việt Nam và Trung tâm sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).
Tâm sự về ước mơ xây dựng được thương hiệu Tò he, chị Ngân kể: Chị và những người bạn có tham gia một số dự án của tổ chức phi Chính phủ. Một trong số dự án cũng có vài hoạt động dành cho các em thiệt thòi, trẻ em vùng sâu vùng xa như hoạt động học vẽ. Lúc đó, họ băn khoăn bởi khi hết tiền dự án sẽ dừng lại và như vậy các em cũng chỉ có vài buổi vui chơi nên cũng sẽ có ít cơ hội được thể hiện sự sáng tạo của mình. Và thật tình cờ, trong một lần khi đến bảo tàng Picasso ở Barcelona chị và mọi người có đọc được câu nói của danh họa nổi tiếng nhất thế kỷ 20 Pablo ghi trên bức tường đó là “Tôi chỉ cần 4 năm để có thể vẽ được như Raphael nhưng tôi đã phải dành cả đời mình để vẽ như một đứa trẻ”. Lúc đó chị và những người mà sau này lập nên công ty càng khẳng định cảm nhận bấy lâu của mình: tranh của trẻ em thực sự đã và luôn là một chuẩn mực về cái đẹp.
Khi chứng kiến các em say sưa vẽ với trí tưởng tượng phong phú dù các em có bị khuyết tập hay mồ côi thiệt thòi, dù không thể nói, không thể nghe hay thiếu chân tay nhưng các em đều có thể nói bằng tranh, chia sẻ bằng tranh,… Điều đó làm chị và bạn bè chạnh lòng và đặt câu hỏi, phải chăng chính mình là những người thiệt thòi, khuyết tật so với các em khi giữa cuộc sống đầy đủ mà trên khuôn mặt dường như luôn buồn lo toan tính. Chính những điều đó đã thôi thúc họ phải làm gì đó để giữ cái đẹp đó, tạo nên giá trị của nó và Tò he đã ra đời như vậy.
Khi ra đời công ty hoạt động ở hai mảng: xã hội và kinh doanh. Trong đó, Tò he mở ra sân chơi là các lớp học vẽ sinh hoạt thường xuyên và các ngày cuối tuần cho các em khuyết tật, thiệt thời nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho các em mà còn giúp các em có được chút lợi nhuận từ việc khai thác các tranh vẽ ứng dụng vào sản phẩm mang thương hiệu này để kinh doanh trên thị trường. Một phần lợi nhuận sẽ được chuyển lại cho các em hoặc cho trung tâm bảo trợ để cải thiện cuộc sống vất chất lúc nào cũng thiếu thốn của các em.
Trong tương lai, vị nữ giám đốc mong muốn sẽ xây dựng được hệ thống nhà xưởng sản xuất sản phẩm, nơi đào tạo nghề và tạo công ăn việc làm ổn định cho các em khuyết tật, thiệt thòi. Đồng thời, mỗi khi nhắc đến cứ nhắc đến life style là nhắc đến thương hiệu Tò he.
“Tôi không phải là doanh nhân giỏi”
Chia sẻ về hoạt động kinh doanh thời gian qua chị Ngân kể, trong giai đoạn 2009-2011, công ty nhận được khá là nhiều hợp đồng kiểu từ các cơ quan, tổ chức chủ yếu là của nước ngoài. Tuy nhiên, năm nay kinh tế khó khăn các cơ quan tổ chức không đặt hàng nên doanh số bán hàng mặc dù đã gần cuối năm nhưng vẫn chưa đặt được một nửa của năm ngoái. Trước sức ép thị trường quá khó, lần đầu tiên công ty đẩy mạnh kênh bán lẻ như mở cửa hàng và bán hàng qua website.
Nói về bản thân, về quan điểm và cách kinh doanh chị khiến tôi bất ngờ bởi những tâm sự rất thật. Ở vị nữ giám đốc này có nhiều điểm khác với những doanh nhân khác mà tôi từng trò chuyện.
Trong khi nhiều lãnh đạo khi xây dựng tổ chức đi vào quy củ tốt hơn, họ thường chọn cách nghiêm khắc, khắt khe, nhân viên sai phạm gì thì họ làm rất quyết liệt không để chuyện tình cảm, cá nhân chi phối. Còn cách của chị thì khác, cho rằng mình kém về mảng đó một phần cảm thấy mình không làm được. Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng hơn đó là khi mọi người đã dành một thời gian rất lớn ở chỗ làm việc, lớn hơn cả việc ở nhà với người thân trong gia đình nên chị muốn tạo sự thoải mái ngay trong công việc.
Khi được hỏi có lúc nào chị muốn từ bỏ ước mơ mà đang theo đuổi không, chị thừa nhận những lúc mệt mỏi với áp lực công việc rồi không có thời gian chăm sóc con cái thấy mình thiếu sót với gia đình nên cũng muốn buông. Nhưng rồi khi công việc bận bịu cuốn đi và mong muốn bước tiếp trên con đường “Tò he” nên lại thôi.
Làm giám đốc một doanh nghiệp xã hội, doanh nhân xã hội nhưng chị cảm thấy những gì mình làm chưa thấm tháp vào đâu. Tự thấy mình không phải là doanh nhân giỏi, khi thực hiện công việc điều quan trọng nhất với nữ giám đốc Tò he là thật thà và học hỏi.
Ngọc Minh
(Bài viết đăng trên vietq.vn)