Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Sáng 27/9, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 (khóa XIV) tiếp tục làm việc với phần thảo luận về 2 Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có liên quan đến công tác dân vận trong tình hình mới và ứng phó biến đổi khí hậu; công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách và xây dựng Đảng hiện nay”; quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Liên quan đến công tác dân vận trong tình hình mới, đại biểu Lê Văn Chính, Bí thư Thị ủy Hương Thủy cho rằng: Đội ngũ cán bộ dân vận cơ sở không thiếu, chúng ta cần chú trọng đến chất lượng, năng lực làm việc. Phần giải pháp, cần chỉnh đốn, làm cho cán bộ, đảng viên có bản lĩnh mới làm được công dân vận trong tình hình mới. Cần nói đi đôi với làm, nhất là vấn đề giải quyết khiếu kiện, khiếu nại liên quan đến đất đai, đền bù, giải tỏa.
Về vấn đề nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể chính trị – xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới, theo đại biểu Hoàng Văn Giải, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc, công tác dân vận đã thu được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, để dân tin Đảng hơn, tạo được sức mạnh tổng hợp bảo vệ quê hương, đất nước, công tác dân vận cần phải có sự chuyển biến mới, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Phần lớn các chủ trương, chính sách người dân chỉ tiếp cận trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cần công khai minh bạch những vấn đề dân biết, dân được bàn. Thực tế, một số nơi làm chưa tốt vấn đề này, gây nghi ngờ, mất lòng tin. Ở nơi nào công khai, minh bạch thì dân càng đồng tình, ủng hộ – đại biểu Hoàng Văn Giải nhấn mạnh.
Đại biểu Cái Vĩnh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ nêu ý kiến: Công tác dân vận vẫn có nhiều vấn đề vướng mắc. Theo tôi, vai trò cấp thôn, bản hết sức quan trọng để chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với mọi tầng lớp nhân dân. Cái khó khăn lớn nhất, là điều kiện làm việc của bộ phận “1 cửa” các cấp. Toàn tỉnh chỉ có Huế và Phú Vang là cơ bản đủ điều kiện. Còn lại 98/192 xã cơ sở vật chất không đảm bảo, nên khó đáp ứng điều kiện làm việc. Vì vậy, cần quan tâm điều kiện làm việc cho bộ phận này.
Về kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều ý kiến cho rằng, cần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai. Trong đó chú trọng nâng cao nhận thức, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp, cộng đồng dân cư và người dân.
Theo đại biểu Trần Ngọc Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các giải pháp cần chia ra, một là giảm thiểu biến đổi khí hậu và hai là thích ứng với biến đổi khí hậu cho các ngành và lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào ngành nông nghiệp, y tế. Nghĩa là, chúng ta phải thích ứng, sống chung, có cách đối phó với biến đổi khí hậu. Trên cơ sở đó, các ngành, đơn vị có kế hoạch, phương án phù hợp với biến đổi khí hậu.
Đại biểu Hoàng Văn Giải, Bí thư Huyện ủy Phú Lộc cho rằng: Trước mắt phải tính toán đến việc nước biển dâng. Tỉnh cũng đã đầu tư nhiều đê bao, nhưng cần có phương án bảo vệ hệ thống đầm phá, biển. Rừng phòng hộ ven biển cũng phải tính đến, chú ý đến những loại cây chắn sóng trong khi chưa xây dựng kè. Trồng rừng phát triển mạnh, nhưng quá trình khai thác cũng phải xem lại.
Một số ý kiến cho rằng, qua kiểm điểm tự phê binh và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đã có sự chuyển biến trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, cần khắc phục triệt để những khuyết điểm, hạn chế sau kiểm điểm để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác xây dựng Đảng.
Chiều nay, Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 13 (khóa XIV) tiếp tục làm việc.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x