Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Bà Nguyễn Thị Nga, 62 tuổi, trú tại khối phố Mỹ Trung, phường An Mỹ (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam) về hưu đã bảy năm dù đã mong muốn được thảnh thơi nhưng vì các con bận mải công việc nên có những lúc bà phải xốc vác giúp việc chăm sóc, bày dạy cho bốn người cháu nội. Từ đó, bà nội đã có một cuộc “cách mạng” với chính mình trong việc tìm hiểu phương pháp giáo dục phù hợp.

Chăm sóc cháu và “những cuộc vật lộn”         

Bà Nga nhớ nhất năm 2017, cô cháu gái kết thúc học kỳ I với kết quả đứng gần chót lớp. Mẹ cháu ở thành phố Hồ Chí Minh đã có một cuộc gọi “cầu viện” bà nội vào để dạy bảo, kèm cặp cháu. “Đó thực sự là những ngày vô cùng khó khăn dù tôi có nghiệp vụ sư phạm. Bốn đứa cháu nội đứa nào cũng nghịch ngợm, nhưng cô cháu gái đặc biệt không hề nghe lời, sống không nề nếp lại hay ốm yếu, nhẹ cân hơn bạn cùng trang lứa”.

Thương con, bà Nga tay đùm tay gói từ Tam Kỳ vào thành phố Hồ Chí Minh. Bà bắt đầu “cuộc cách mạng” bằng những buổi sáng vật lộn để cháu đi học đúng giờ, những bữa cơm chan nước mắt khi ép cháu ăn. “Ban đầu tôi phải la hét, đưa roi dọa cháu: Không ăn bà đánh. Dù những khi tôi nóng giận, cháu không một lời cãi lại, nhưng qua quan sát nhiều ngày, tôi thấy cháu thường quay đi là tự tay móc để ói thức ăn ra”, bà Nga kể.

Khi bà nội “cắp sách đi học”

Trở lại Tam Kỳ, bà Nga được giới thiệu làm thành viên và tham gia hoạt động của Câu lạc bộ (CLB) Những người yêu trẻ khối phố Mỹ Trung mà dự án Tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội về quản trị Quyền trẻ em do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm thực hiện. Với sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế, bà Nga lần đầu tiên được tập huấn phương pháp giáo dục bằng “Kỷ luật tích cực”. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ về chủ đề giáo dục con trở thành thời gian tâm tình, chia sẻ kinh nghiệm về kiềm chế cảm xúc, học cách lắng nghe và tôn trọng trẻ của các thành viên. Bà Nga vừa được tư vấn CRD tận tình hướng dẫn lại có được những người “bạn đồng hành” cùng mục tiêu thay đổi trong câu lạc bộ. Bên cạnh đó, những cuốn tài liệu thực hành kỷ luật tích cực như “Nhật ký ba mẹ giáo dục con thời hiện đại” để tự “kiểm tra” sự thay đổi thói quen hàng ngày cũng giúp bà Nga từ chỗ “vỡ lẽ” quan niệm đến nhuần nhuyễn phương pháp.

Bà Nga bắt đầu tập thực hành và dành thời gian tâm sự để bầu bạn cùng cháu. “Để cháu dậy đi học đúng giờ, tôi tập cho chính mình dậy trước để gọi cháu. Đến giờ cháu đã thành thói quen nên tự mình dậy để vệ sinh cá nhân”.

Bà nội Nga tìm cách phối hợp với giáo viên chủ nhiệm của cháu ra bài tập để cháu làm và dành ra 1 – 2 giờ để giảng bài cho cháu. Dần dần, cháu được cô giáo khen và trở nên thích đi học chứ không còn sợ học như khi bị điểm kém, cô và cha mẹ la rầy nữa. Tôi cũng nhờ cô giáo phong cho cháu làm lớp phó theo dõi các bạn ăn, kể cho cháu nghe lời Đức Phật dạy về việc lãng phí đồ ăn khi hóa kiếp phải ăn lại chỗ thức ăn từng lãng phí. Từ đó, cháu tự giác ăn nhanh hơn để gương mẫu cho các bạn. Giờ đây không còn cảnh tôi phải chạy theo cháu khắp khu phố để năn nỉ từng muỗng cơm.

Cháu bà Nga nay đã học lớp 4, kết thúc học kỳ vừa rồi thành tích học tập xếp hạng giữa lớp. Bà cũng chỉ bảo các con về phương pháp giáo dục tích cực những khi bà không thể kề bên khiến các con gần gũi cháu hơn và dần học cách “làm bạn” với con. Từ thành công của bản thân, bà Nga hăng hái tham gia hoạt động truyền thông của CLB. Trước đây nhiều cháu trong khối phố bị trừng phạt thể chất và tinh thần vì nghiện trò chơi điện tử bây giờ sau các buổi truyền thông, chúng tôi phối hợp với cơ quan ban ngành địa phương quản lý tình trạng này giảm hẳn. Các cháu trước đây nghiện trò chơi điện tử đã tự ý thức, không chơi nữa thì các quán game không mở sau 10 giờ đêm dần ế khách cũng đã tự đóng cửa.

Không còn la mắng dọa nạt là không còn nước mắt của con trẻ và những cơn đau đầu của người lớn. Yêu thương đã giúp nhiều thế hệ trong một gia đình gần lại với nhau, người lớn học cách thay đổi để làm “giá đỡ” nâng bước cho những đứa trẻ được giáo dục bằng yêu thương được phát triển tốt hơn về thể chất, tình thần và trí tuệ.

           

  Bà nội hạnh phúc khi làm bạn với cháu      

     

    Bà nội cùng các con, cháu ngày càng gần gũi nhau hơn

Mẩu chuyện 2: Tôi đã từng cứ có roi là tôi quất thôi

Cô Nguyễn Thị Lệ tham gia chia sẻ kinh nghiệm tại thành phố Huế cho các thành viên mạng lưới CRG và các câu lạc bộ, trường học

 Cô Nguyễn Thị Lệ (61 tuổi) là một người bạn của cô Nguyễn Thị Nga, thành viên nòng cốt của Câu lạc bộ những người yêu trẻ khối phố Mỹ Trung. Tôi  cũng lên chức bà ngoại được mấy năm nay. “Ban đầu, khi cháu tôi ham xem tivi, điện thoại thứ tôi nghĩ đầu tiên là “bẻ roi” để giải quyết. Tôi cứ có roi là tôi quất thôi. Nhưng roi chỉ làm cháu lì hơn, tôi được bà Nga chia sẻ nên tôi bắt đầu học cách quy định thời gian chơi, giải thích cho các cháu tác hại của việc dùng điện thoại trong thời gian dài. Mỗi ngày lại học cách thay đổi thói quen của chính mình trước rồi thay đổi thói quen của cháu. Hiệu quả trông thấy, cháu tôi ngoan hơn. Hiện tại tôi tham gia và trở thành chủ nhiệm của CLB. Cô Lệ nói: “Nếu trước đây con gái tôi thường nói: Mẹ già rồi tham gia những hoạt động này làm gì, ở nhà trông cháu giúp con. Nhưng bây giờ, thấy có kết quả, cháu lại động viên tôi tiếp tục tham gia, có gì hay tôi học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm để về áp dụng cho con, cháu mình. Thì ra, câu nói thương cho roi cho vọt không còn phù hợp nữa”.””


Bảo Hòa