Triển khai trồng gừng trong bao – một mô hình sáng kiến của người dân thôn 3 xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông đang đưa tới cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nam tỉnh này nhiều triển vọng về nâng cao thu nhập, tạo sản phẩm kết nối thị trường, tạo sinh kế ổn định. Mô hình được sự tư vấn của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) và do Irish aid tài trợ thông qua dự án “Nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế”.
Thay đổi phương thức canh tác
Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân xã Thượng Nhật vẫn dựa vào trồng trọt, chủ yếu là lúa và sắn với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, chưa áp dụng tốt kỹ thuật, dẫn đến chỉ có ăn mà chưa có bán. Trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Thượng Nhật được chọn làm xã điểm. Khác với sự thành công trong công tác cải thiện lại hệ thống cơ sở hạ tầng và môi trường sống, tiêu chí về nâng cao mức thu nhập bình quân trên đầu người của xã còn đó nhiều trăn trở.
Với kiến thức bản địa phong phú và hiểu rõ tập quán canh tác của bà con, cùng sự tư vấn của cán bộ CRD chị Trần Thị Bắp cùng 9 hộ khác trong hội nông dân thôn 3 đã mạnh dạn đề xuất Dự án hỗ trợ để thực hiện thí điểm Mô hình sản xuất trồng gừng trong bao hướng tới thị trường. Mặc dù trồng gừng trong bao là một mô hình được báo chí trong nước ghi nhận đã có nhiều hộ dân làm giàu nhờ lãi suất và năng suất cao từ tỉnh Ninh Bình đến Cà Mau đất mũi nhưng đây là lần đầu tiên người dân Thượng Nhật biết đến phương thức sản xuất này.
Thượng Nhật có 90% dân số là người Cơ Tu, gắn bó và sinh sống lâu đời trên dãy Trường Sơn. Gừng vốn có mặt trong đời sống hàng ngày làm gia vị cho những món ăn dân giã và được dùng như một loại dược liệu khá phổ biến. Ở Thượng Nhật nói riêng và Nam Đông nói chung gừng chưa từng được trồng với quy mô lớn. Nhưng vùng đất “chảo lửa” lại thuận lợi để phát triển loại cây này bởi gừng ở đây đặc biệt thơm ngon với vị cay nồng nhờ nắng gió có phần khắc nghiệt.
Anh Trần Cảnh Thắng, cán bộ CRD điều phối dự án cho biết: “Việc trồng gừng trong bao là phương thức canh tác còn mới lạ với người dân Thượng Nhật. Không giống như trồng gừng trên đất, trồng gừng trong bao đòi hỏi người tham gia phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật canh tác mới mang lại năng suất cao. Với phương thức này, bà con có thể tận dụng phân chuồng, mùn cưa, đất vườn,… và tiết kiệm được công chăm sóc và gùi gừng từ rẫy về so với trồng theo cách truyền thống.
Người dân được… tự lực
Thiên nhiên khắc nghiệt nhưng lại là ưu đãi cho củ gừng Nam Đông. Còn người dân hăm hở với mô hình mới do chính mình đề xuất cũng gặp không ít trở ngại. 10 hộ dân thôn 3 đều là những hộ dân có trình độ học vấn thấp, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế, tâm lý trông chờ ỷ lại đã ăn sâu vào nếp nghĩ cũng là một rào cản lớn.
Nhưng khác với những dự án trước, thay vì dự án sẽ đầu tư ban đầu hoàn toàn thì mô hình này thực hiện theo hình thức người dân tự lập thành nhóm sản xuất, tự nguyện đóng góp không chỉ công, vật tư sẵn có (2 tấn phân chuồng, 30 bao trấu/mùn cưa,..) mà còn cả tiền để mua giống và bao bì (gần 2 triệu đồng tiền mặt/sào). Dự án chỉ hỗ trợ 70% tiền mua giống và kỹ thuật. Chị Bắp vừa được tập huấn theo phương thức cầm tay chỉ việc dễ làm dễ nhớ, được các tư vấn của CRD hướng dẫn trực tiếp ngay trên đồng cười tươi nói: “Tự đóng tiền là thành mô hình có thêm đóng góp của mình, em và mấy chị em khác đều thấy có trách nhiệm hơn.” Chết bầu gừng nào là xót bầu gừng đó, bà con ra sức chăm tưới cho cây.
Với sự hỗ trợ của cán bộ địa phương, bà con nắm bắt được kỹ thuật và ủ giống, đóng bầu và trồng gừng với tinh thần rất phấn khởi. Như chị Nam nói “Mình đặt rất nhiều hy vọng làm giàu vào mô hình này. Nhiều hộ khác trong thôn cũng đến xem và học hỏi, tự mua giống và làm theo”.
Thấy bà con đã tuân thủ theo kỹ thuật và tận tình với công việc, anh Trần Cảnh Thắng cũng thấy như vui lây: “Trồng gừng trong bao tiết kiệm diện tích, có thể trồng tận dụng ở ngay vườn nhà mà năng suất lại cao từ 4 – 5 lần so với phương pháp trồng gừng trên đất. Nếu tiến triển tốt, sau 8 tháng là gừng có thể thu hoạch. Dù giá rẻ chừng 10.000đ/1kg thì bà con cũng thu lại được 14 triệu/1 sào. Hơn nữa, chúng tôi sẽ giúp bà con trong vấn đề tự thành lập nhóm để liên kết bán ra thị trường, tìm một thị trường tiêu thụ ổn định cho cây gừng Thượng Nhật.
Chưa tới mùa thu hoạch là nhiều mồ hôi của cán bộ tư vấn và bà con còn rỏ xuống với bao nhiêu bao gừng lớn dần là bấy nhiêu hi vọng. Nhưng những gì chúng tôi nhìn thấy hôm nay có lẽ là tinh thần mới của những người dân nông thôn mới ở Thượng Nhật – tinh thần tự lực để đưa đời sống của mình, cũng là đời sống của địa phương ngày một nâng lên.
Bảo Hòa