Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Thanh Tân, Phong Sơn, Thừa Thiên Huế, ngày 13-14/11/2024, Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung Việt Nam (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế, đã tổ chức hội thảo định hướng chiến lược tổ chức giai đoạn 2025 – 2030. Đây là sự kiện tiếp nối sau hội thảo rà soát chiến lược giai đoạn 2019 – 2024  mà CRD đã tổ chức vào đầu tháng 10/2024. Hội thảo lần này có tính chất cực kỳ quan trọng, nhằm xây dựng các định hướng phát triển mới, đảm bảo sự gắn kết giữa các giá trị cốt lõi của tổ chức với xu hướng và nhu cầu thực tiễn của cộng đồng và xã hội. Hội thảo có sự tham dự của Giáo sư Lê Đình Phùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế; ông Nguyễn Đỉnh Phước, giám đốc dự án Leading the Change (LtC2) tại Việt Nam; bà Trần Thị Hải, chuyên gia tư vấn chiến lược và toàn thể cán bộ trung tâm.

Mở đầu hội thảo,  bài phát biểu định hướng của Tiến sĩ Trương Quang Hoàng – Giám đốc CRD nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược của trung tâm đặc biệt là trong xu hướng thay đổi toàn cầu cũng như khu vực về các vấn đề liên quan đến cách tiếp cận thực hiện chương trình dự án, những chủ đề nổi bật và yêu cầu của các nhà tài trợ hiện nay. Theo ông, các ý kiến đóng góp trong hội thảo này là nền tảng để xây dựng một chiến lược khả thi, phù hợp với bối cảnh và nhu cầu địa phương.

Sau 02 thảo luận,  4 chương trình trọng điểm cho các hoạt động của CRD trong  giai đoạn 2025-2030 được thống nhất là Quản lý bảo vệ rừng và đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng (chương trình 1); nông nghiệp thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu & giảm phát thải (chương trình 2); liên kết hợp tác và tiêu thụ sản phẩm (chương trình 3) và kết nối tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo (chương trình 4).

Với chương trình 1, CRD hướng đến hỗ trợ các cộng đồng quản lý rừng phát triển năng lực vượt trội so với các cộng đồng quản lý rừng cộng đồng truyền thống (CFM). Mục tiêu là trang bị các kỹ năng quản lý và tổ chức sản xuất để cộng đồng có thể hưởng lợi từ công tác quản lý rừng bền vững, tạo nguồn thu phục vụ bảo tồn, phát triển các hoạt động khác, và tăng thu nhập cho người dân sống dựa vào rừng. Theo đó, các cộng đồng quản lý rừng cộng đồng truyền thống sẽ được hỗ trợ nâng cao năng lực và tổ chức hoạt động để có thể hướng đến thành lập các doanh nghiệp bảo tồn dựa vào cộng đồng (Community based Conservation Enterprise – CCE) hoặc các hợp tác xã lâm nghiệp. Các cộng đồng quản lý bảo vệ rừng này sẽ tiếp cận và quản lý tốt hơn diện tích rừng được giao, bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái và phát triển sinh kế bền vững.  Các định hướng hoạt động trong chương trình 1 là: Phát triển thể chế cộng đồng quản lý rừng CFM, tăng cường hiệu quả quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng, tạo sinh kế dưới tán rừng, sinh kế từ rừng và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và thúc đẩy triển khai các chính sách cho CFM.

Chương trình 2 tập trung nhân rộng và lan tỏa các mô hình nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu nhằm tạo ra các cộng đồng bền vững, tăng cường khả năng thích ứng, bảo vệ môi trường, và phát triển kinh tế địa phương. Thông qua kết nối mạng lưới và hỗ trợ kỹ thuật, đảm bảo các mô hình này được duy trì lâu dài và trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững ở các khu vực dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu.” Các hoạt động trọng tâm trong chương trình 2 là: Nâng cao nhận thức, kiến thức về biến đổi khí hậu, phát triển các thực hành nông nghiệp tốt liên quan đến thuận thiên, thích ứng, tuần hoàn, giảm phát thải và gia tăng giá trị sản phẩm.

Chương trình 3 tập trung vào việc xây dựng chuỗi giá trị bền vững, thúc đẩy liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, đặc biệt là các sản phẩm từ mô hình nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hoạt động chính bao gồm nâng cấp nhận diện thương hiệu, cải tiến bao bì, quảng bá sản phẩm tại hội chợ và triển lãm, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và số hóa để mở rộng thị trường. Chương trình cũng hỗ trợ đào tạo các nhóm sản xuất và hợp tác xã trong việc lập kế hoạch kinh doanh, nghiên cứu thị trường và kết nối với các đối tác lớn. Các hoạt động trọng tâm trong chương trình 3 là: Xây dựng năng lực kinh doanh, xúc tiến sản phẩm và liên kết hợp tác.

Kết nối tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo là chủ đề mới được đưa vào chiến lược của CRD trong giai đoạn 2025-2030. Là một đơn vị có thế mạnh trong triển khai các chương trình nghiên cứu, CRD hướng đến việc xây dựng các mô hình học tập và chia sẻ sáng tạo của CRD, tăng cường sự quan tâm, nâng cao tri thức và chất lượng can thiệp của cộng đồng học thuật và thực hành về quản lý rừng cộng đồng và phát triển nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho cộng đồng nông thôn. Dựa trên các mạng lưới của mình, CRD cũng thúc đẩy kết nối các sáng kiến với các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Chương trình 4 được xây dựng dựa trên các hoạt động xuyên suốt và một số dịch vụ hỗ trợ học tập, trao đổi của CRD trong các năm qua. Nhờ sự liên kết chặt chẽ với Trường Đại học Nông Lâm, chương trình không chỉ góp phần lan tỏa tinh thần học tập, sáng tạo trong CRD mà còn bổ trợ cho các chương trình khác, tạo nên một hệ thống hoạt động đồng bộ và hiệu quả.

Với những chủ đề đã xác định trong chiến lược của CRD giai đoạn 2025 – 2030 như trên, đại diện Ban giám hiệu của trường Đại học Nông lâm, Đại học Huế, giáo sư Lê Đình Phùng đã khẳng định rằng các chương trình hiện tại của CRD và những định hướng về chiến lược hoạt động đáp ứng tốt nhu cầu thực tiễn của địa phương. Ngoài việc giải quyết nhu cầu trực tiếp, các chương trình của CRD còn đóng vai trò là cầu nối giữa địa phương và các cơ quan hoạch định chính sách. Bằng cách thực hiện các nghiên cứu, đánh giá, và cung cấp dữ liệu thực tế, CRD đã thúc đẩy việc xây dựng và thực thi các chính sách phát triển nông thôn bền vững, phù hợp với bối cảnh địa phương.. Sự đánh giá cao từ Giáo sư – Tiến sĩ Lê Đình Phùng là minh chứng cho thấy các chương trình của CRD không chỉ đúng hướng mà còn có tính thực tiễn cao. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả phát triển bền vững cho địa phương mà còn góp phần khẳng định vai trò tiên phong của CRD trong lĩnh vực phát triển nông thôn miền Trung, từ đó mở ra cơ hội nhân rộng các mô hình thành công trên phạm vi lớn hơn.

Hội thảo khép lại với sự đồng thuận cao từ các đại biểu về các chương trình trọng điểm và các giải pháp chiến lược được đề ra. Thành công của sự kiện không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình phát triển của CRD mà còn khẳng định vai trò của tổ chức trong sứ mệnh phát triển bền vững cho nông thôn miền Trung. Với sự cải tiến không ngừng và sự thích ứng linh hoạt, CRD tiếp tục giữ vững vị thế là một tổ chức tiên phong, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng và xã hội trong bối cảnh mới.

Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:

Trung tâm Phát triển Nông thôn Miền Trung Việt Nam (CRD)

  • Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, Thành Phố Huế, Thừa Thiên Huế
  • Điện thoại: (0234) 3529 749
  • Email: Office@crdvietnam.org
  • Website: Crdvietnam.org