Chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Sơn Thành, xã Nghĩa Mỹ và xã Minh Hợp (tỉnh Nghệ An) bước đầu thành công khi các xã lần lượt cán đích 19 tiêu chí quốc gia. Điểm chung đặc biệt của những địa phương này là có xuất phát điểm khá thấp và đều có “bí quyết” dùng “chiến lược lạ” để đạt được kết quả đáng tự hào trong xây dựng nông thôn mới như hôm nay…
Xuất phát thấp
Rất nhiều tòa nhà cao tầng và biệt thự tiền tỉ, đường xá rộng rãi thảm nhựa hoặc đổ bê tông sạch đẹp, hàng chục chiếc ô tô đời mới là quang cảnh xã Sơn Thành, huyện Yên Thành bây giờ. Tất cả 27 người trong đoàn tham quan đều “mắt tròn mắt dẹt” về sự bứt phá từ xã nghèo nhất của huyện lúa Yên Thành. Bởi lẽ, như nhiều miền quê khác của Nghệ An, người dân Sơn Thành trước đây sống nhờ lúa. Thiên tai làm cho cuộc sống của bà con không khấm khá lên được.
Nếu Sơn Thành là xã nghèo nhất của huyện Yên Thành cách đây 3 năm thì Nghĩa Mỹ cũng là xã nghèo nhất của Thị xã Thái Hòa. Khởi động chương trình xây dựng Nông thôn mới, Nghĩa Mỹ được đánh giá “còn rất lâu nữa” mới về đích nông thôn mới. Kinh tế của xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người thấp. Thực tế đời sống, kinh tế, xã hội, giao thông … của Nghĩa Mỹ lúc đó còn rất nhiều khó khăn và có một khoảng cách khá xa với bộ 19 tiêu chí quốc gia về Xây dựng nông thôn mới.
Xuất phát điểm cũng như Sơn Thành và Nghĩa Mỹ, xã Minh Hợp – một xã nghèo của huyện miền núi Quỳ Hợp cách TP Vinh 100 km. Minh Hợp chỉ đạt 7/19 tiêu chí khi “chập chững” bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.
Nhưng xuất phát điểm thấp không làm nên đích đến, khi các địa phương này đã lần lượt sớm đạt chuẩn, trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới của miền Trung nói riêng và cho cả nước nói chung.
Đạt chuẩn nhờ chiến lược “độc”
Năm 2013, Sơn Thành vươn lên là xã đầu tiên của tỉnh Nghệ An đạt chuẩn Nông thôn mới. Cùng với nỗ lực trong công tác thực hiện, chiến lược “ĐNX” và “2Đ” được xem là chìa khóa thành công của xã này. Ông Nguyễn Trí Hóa, Bí thư đảng bộ xã lý giải: “ĐNX là đưa điện nước về xã và xuất khẩu lao động. Có nước sạch đời sống sức khỏe của người dân được cải thiện. Muốn kinh tế phát triển, văn minh phải có điện. Tôi tạo điều kiện cho con em đi xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết được khâu việc làm trước mắt. Sau khi xuất khẩu lao động về các em có vốn làm ăn, có nghề để phát triển”.
Còn chiến lược “2Đ – Đi lên từ đường, vươn ra từ đồng”. Nghĩa là có giao thông thuận tiện, mở con đường ra bỗng nhiên giá trị nhà đất của dân được nâng lên. Có đường xá thuận tiện thì tư thương về mua nông sản của bà con không thể ép giá lấy cớ đường xa, đường xấu”. Chủ trương dồn điền đổi thửa giúp tăng diện tích trên một thửa ruộng, thuận lợi cho người dân canh tác thực hiện cơ giới hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp.
Thu nhập bình quân của Sơn Thành giờ đây là 27,7 triệu đồng/1 người/1 năm. Những điện đường trường trạm đều đồng bộ đạt chuẩn, những cánh đồng lúa và hoa màu cho năng suất cao, … nhiều công ty, dịch vụ kinh doanh quy mô vừa và nhỏ mọc lên tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho bà con.
Rời Sơn Thành, đoàn tham quan đến thăm xã Nghĩa Mỹ. Các chủ tịch hội nông dân xã Thượng Nhật và Phong Mỹ ghi chép khá tỉ mỉ khi học tập mô hình nuôi gà an toàn sinh học và chăn nuôi lợn công nghiệp liên kết với Công ty CP ở đây với mong muốn sẽ đưa về nhân rộng tại địa phương mình.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Cao Thị Hường – Chủ tịch UBND xã cho rằng “Nắm bắt cơ hội, tranh thủ sự đầu tư của doanh nghiệp, của trung ương, tỉnh, thị xã và khai thác các nguồn chương trình khác nhất là việc huy động được sức dân tại địa phương chính là một thành công. Nhưng để đưa Nghĩa Mỹ từ chỗ chưa có gì để đạt 19/19 tiêu chí như bây giờ thì phải kể đến chiến lược “chọn yếu kích khá”. Nghĩa Mỹ chọn thôn Long Thượng là thôn nghèo nhất của xã để làm điểm. Việc chọn cái khó làm trước tạo ra động lực mạnh mẽ cho các thôn khác; bởi họ sẽ nhìn Long Thượng rồi phải tự hỏi “Vì sao thôn khó khăn thế họ làm được mà mình lại không?”. Đúng như dự đoán, Long Thượng hoàn thành mục tiêu được, các thôn xóm khác cứ thế dân tự giác góp sức góp của.
Nghĩa Mỹ hôm nay phát triển thêm dịch vụ kinh doanh nhỏ lẻ, xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Nâng cấp 34,2 km đường xã, liên xã, trục thôn xóm, ngõ xóm. Tỷ lệ lao động được học nghề, có việc làm và ứng dụng được kiến thức học nghề nâng lên đáng kể, … Nghĩa Mỹ cán đích Nông thôn mới bằng nỗ lực gấp nhiều lần các xã khác.
Về đích sau Sơn Thành và Nghĩa Mỹ nhưng xã Minh Hợp vẫn khiến các thành viên đoàn tham quan trầm trồ với chiến lược tập trung phát triển mô hình kinh tế của mình. 1276 ha diện tích trồng cam quýt, năng suất đạt 150 tạ/ha, sản lượng đạt 19.140 tấn, … loài cây ăn quả đang thực sự làm thay đổi kinh tế và cuộc sống của người dân nơi đây. Chúng tôi không chỉ được đi giữa bạt ngàn cam quýt mà còn gặp gỡ trao đổi với các nông dân tỷ phú biết áp dụng khoa học kỹ thuật đưa vào sản xuất.
Đoàn tham quan học tập do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung được Arish Aid tài trợ đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm khi dừng chân tại Nghệ An. Trong đó, vạch ra một chiến lược tốt, chiến lược phù hợp với địa phương mình như các xã Sơn Thành, Nghĩa Mỹ, Minh Hợp đã làm thành công để lại những ấn tượng và sự thán phục trong lòng mỗi người. Để từ đó các thành viên không khỏi trăn trở đến việc áp dụng cho chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương mình.
Bảo Hòa