Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hôm trước, chúng tôi có dịp đi qua mấy khu rẫy của đồng bào Pa-co trên dãy núi Pê-ke, ở phía Bắc huyện A Lưới. Đó là khu vực gieo trồng lúa rẫy của người đồng bào ở hai xã Hồng Vân và Hồng Thuỷ. Thỉnh thoảng đi qua đèo Pê-ke ở dãy núi này, thấy những rẫy lúa được gieo thành từng mảng, từng khoảng giữa những rừng cây tái sinh, chúng tôi muốn xem lúa rẫy của dãy núi Pê-ke có khác gì so với các nơi khác. Tình cờ, chúng tôi phát hiện ra một rẫy lúa mà hạt của nó đen huyền và có những sợi râu dài. Lần đầu tiên trong đời, chúng tôi nhìn thấy những hạt lúa không có màu vàng, màu nâu vàng hoặc đỏ mà thay vào đó là một màu đen huyền khác lạ.

Từng biết đến một vài loại lúa hiếm của đồng bào Tà-ôi cũng như Pa-co, nhưng đó là lần đầu tiên được nhìn thấy một loại lúa màu đen nên chúng tôi ngắt một nhành lúa để đi hỏi đồng bào. Hỏi những người trẻ thì nhiều người không biết nhưng hỏi người già thì có khá nhiều người biết. Họ cho biết rằng, lúa màu đen đó có tên gọi A Mứt (theo tiếng Pa-co), hay Trưi (theo tiếng Tà-ôi). Nó quý hiếm lắm. Gặp già làng Vỗ Du của làng A Nam, xã Hồng Vân, ông giải thích rằng: “Ngày xưa, chỉ có người giàu, người có quyền mới có giống lúa này và chỉ có những người thân cận với những gia đình đó mới đi gieo trồng hay thu hoạch. Chẳng phải ai cũng đã từng được ăn loại cơm từ hạt lúa này.”

Chúng tôi đi hỏi những người già vốn là dòng dõi của các trưởng làng, những người từng được xem là gia đình giàu có. Được biết, có hai loại lúa A Mứt, loại có râu và không có râu. Hai loại ngoài hình hài bên ngoài còn khác nhau ở độ dẻo của hạt cơm khi nấu. Loại có râu thì dẻo hơn. Các cụ còn cho biết rằng, ngày xưa, loại lúa này có thể chịu được rét nên những dãy núi cao, đầy đá có thể có những loại lúa không chịu được rét nhưng loại lúa A Mứt này vẫn sống tốt. Đặc biệt, lúa A Mứt ít khi bị lép hạt.

Có thể, trong các giống lúa trên núi cao của đồng bào miền núi, còn nhiều giống lúa có những khả năng đặc biệt về chống chọi sâu bệnh hay thời tiết mà chúng ta không biết. Do đó, việc sưu tầm, nghiên cứu để vừa bảo tồn vừa tạo các giống lúa lai có khả năng sống mạnh mẽ, chất lượng gạo cao là điều cần phải làm nhanh chóng. Bởi lẽ, ngay chính người đồng bào, họ cũng ít biết về giống lúa của mình và có những giống lúa cực kỳ hiếm thì làm sao chúng ta cần biết và có trong kho, trong các viện nghiên cứu, các trung tâm giống lúa càng nhiều loại lúa càng tốt.

Mấy năm trước, khi mới biết về lúa Ra-zư của đồng bào ở A Lưới, chúng tôi từng nghe nói hạt cơm Ra-zư cứng, khô. Nhưng khi được ăn những chén cơm mới của gạo Ra-zư, và qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, điều đó chỉ đúng với gạo Ra-zư cũ mà thôi. Tất nhiên là ít có loại gạo cũ nào có thể giữ được độ dẻo, mùi thơm ban đầu được. Ngày đó, đến một nhà người đồng bào, được thưởng thức cơm nấu từ gạo Ra-zư, mùi thơm và độ dẻo của nó khó có thể khiến chúng tôi quên được. Ra-zư vốn đã quý thì A Mứt còn quý hơn nhiều.

Nhà khoa học thời trung đại Lê Quý Đôn đã nói đến những giống lúa của người miền núi, trong đó, có những cộng đồng sống ở miền núi phía Tây châu Ô, Lý. Ít ra cũng có thể đã nói đến một vài giống lúa của đồng bào Tà-ôi, Pa-cô. Vì thế, sự quan tâm các giống lúa miền núi cao, sống trong những điều kiện khắc nghiệt đã được chú ý từ nhiều thế kỷ. Tiếp tục nghiên cứu để nhanh chóng bổ sung nguồn gene của các giống lúa hiếm là điều nên làm. Bởi lẽ, nếu làm chậm đi một ngày thì khả năng mất đi của các giống lúa hiếm càng cao. Lúa A Mứt là một ví dụ, bởi lẽ, sau mấy năm, đi qua những rẫy lúa của nhiều làng đồng bào, nhưng vừa rồi, chúng tôi mới thấy được nó. Việc không phổ biến của giống lúa này có thể là một điều cần phải lưu tâm, bởi lẽ, biết đâu, ở giống lúa này, những phẩm chất quý giá đang cần được lưu giữ.

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x