Trong những năm qua, tuy tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có xu hướng giảm dần, nhưng về cơ bản nước ta vẫn là một nước nông nghiệp. Nông nghiệp, nông thôn, nông dân vẫn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng cả về kinh tế và xã hội trong tiến trình phát triển đất nước. Ðây là địa bàn tập trung hơn 70% dân cư cả nước, nhiều lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ ở các đô thị có xuất thân từ nông thôn, cuộc sống vẫn gắn liền với nông thôn. Nông thôn cũng là địa bàn tập trung đại bộ phận những người nghèo trong xã hội. Tình trạng suy giảm kinh tế, sự biến động thất thường của thị trường trong nước và thế giới, thiên tai, dịch bệnh diễn ra ở phạm vi lớn, với cường độ mạnh… làm cho sản xuất và đời sống của nông dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Trong khi đó, đầu tư cho nông nghiệp và nông thôn còn ở mức thấp xa so với yêu cầu. Trong giai đoạn 1997-2006, tỷ trọng đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm có 10 đến 15% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách nhà nước, đầu tư toàn xã hội cho nông nghiệp đã giảm từ 13,8% năm 2000 xuống 7,5% năm 2006, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp cũng chỉ chiếm khoảng 3 đến 4% tổng số dự án và tổng vốn đăng ký. Trong điều kiện này, nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải là đối tượng ưu tiên hàng đầu trong thụ hưởng gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng của Chính phủ. Giành ưu tiên thỏa đáng cho đối tượng này vừa phù hợp những tiêu chí hỗ trợ của Nhà nước, vừa tạo nền tảng ổn định về chính trị – xã hội trong bối cảnh có nhiều biến động về kinh tế – xã hội.
Với đối tượng ưu tiên này, kích cầu đầu tư và tiêu dùng cần được hướng vào những nội dung gì? Theo chúng tôi, trước hết:
Kích cầu về đầu tư, một điều dễ nhận thấy là cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn còn hết sức thấp kém và lại đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Ðây là yếu tố cản trở trực tiếp yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa ở nông thôn, là yếu tố làm gia tăng khoảng cách chênh lệch cả về kinh tế và văn hóa, xã hội giữa nông thôn và thành thị. Từ đó, đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn phải được xác định là mục tiêu ưu tiên trong kích cầu đầu tư. Các đối tượng cụ thể cần được chú trọng là: Cải tạo và nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu nước theo khoa học ở các vùng nông nghiệp trọng điểm; Xây dựng các công trình đê biển, đê sông chống sụt lở đất và ngăn mặn xâm nhập các nguồn nước ngọt; Cải tạo và nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, chủ yếu là hệ thống đường liên huyện, liên xã và giao thông nội đồng; Cải tạo và nâng cấp mạng lưới điện nông thôn…, bảo đảm an toàn trong sử dụng và giảm tổn thất điện năng; Xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống trường học nông thôn theo Chương trình kiên cố hóa trường học; Cải tạo và nâng cấp mạng lưới trung tâm y tế dự phòng tuyến xã và các bệnh viện tuyến huyện, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; Mở rộng phạm vi cung cấp nước sạch ở nông thôn, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch; Ðầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, bảo quản các sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch. Khuyến khích đầu tư xây dựng các doanh nghiệp chế biến quy mô vừa và nhỏ ở các vùng nguyên liệu tập trung.
Thực hiện có hiệu quả các mục tiêu kích cầu đầu tư đó vừa tạo lập nền tảng cho phát triển sản xuất nông nghiệp, vừa góp phần tạo lập bộ mặt nông thôn mới, giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn. Song để đạt được những yêu cầu này, cần phải giải quyết những khó khăn từ trình độ quản lý yếu kém ở nhiều cấp chính quyền địa phương và ngành kinh tế, những thủ tục hành chính rườm rà, nạn tham nhũng, thiếu minh bạch và tốc độ giải ngân các dự án đầu tư.
Về kích cầu tiêu dùng: Tiếp cận nguồn vốn tín dụng để duy trì sản xuất kinh doanh được coi là khó khăn hàng đầu của các doanh nghiệp nước ta. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, khó khăn về thị trường tiêu thụ lại là khó khăn phổ biến của các doanh nghiệp. Hướng về thị trường nội địa vừa là cách thức khắc phục khó khăn trước mắt, vừa là định hướng phát triển lâu dài của các doanh nghiệp. Thị trường trong nước với hơn 86 triệu dân, trong đó hơn 70% số dân sống ở nông thôn thường được coi là thị trường tiềm năng lớn của các doanh nghiệp. Song khi đánh giá tiềm năng của thị trường nông thôn lại phải chú ý đặc điểm tiêu dùng của khách hàng nông thôn. Ðó là: khả năng thanh toán thấp; người tiêu dùng thường tính toán hết sức chặt chẽ cho mỗi khoản chi tiêu; nhu cầu phổ biến là các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu. Theo đó, kích cầu tiêu dùng ở nông thôn là vấn đề hết sức phức tạp. Ðể giải quyết, cần phải thực hiện song song các giải pháp của Nhà nước và các giải pháp của doanh nghiệp.
Về phía Nhà nước: Cần có những biện pháp kinh tế thích hợp để thu mua hết nông sản hàng hóa do những người nông dân sản xuất ra và bảo đảm cho họ mức lợi nhuận hợp lý. Ðó là cách thức cơ bản bảo đảm tăng thu nhập, nâng cao khả năng thanh toán của dân cư nông thôn. Quản lý chặt chẽ giá vật tư nông nghiệp và tổ chức mạng lưới phân phối vật tư nông nghiệp, khắc phục tình trạng đầu cơ nâng giá, ép giá với những người sản xuất hàng hóa ở nông thôn. Bảo đảm những ưu đãi trợ cấp về giá một số loại vật tư (thí dụ giá bán điện cho hộ nông dân, trợ cấp xăng dầu cho các hộ đánh bắt thủy sản…) thực sự đến tay người nông dân. Thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với yêu cầu kích cầu tiêu dùng cho các hộ dân cư nông thôn. Ðó là các chính sách miễn giảm học phí và viện phí, chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên, chính sách trợ cấp cho những đối tượng chính sách…
Về phía các doanh nghiệp: Cần phân tích, đánh giá đúng mức tiềm năng thị trường nông thôn và đặc điểm khách hàng nông thôn để đưa ra các giải pháp thích ứng. Từ đó, các doanh nghiệp cần quan tâm tới mấy vấn đề sau đây: Ðiều chỉnh nhiệm vụ sản xuất để bảo đảm đưa về nông thôn những sản phẩm phù hợp nhu cầu của khách hàng. Tổ chức mạng lưới phân phối thích hợp với địa bàn nông thôn. Áp dụng chính sách giá và các chính sách khuyến mại phù hợp điều kiện thanh toán và tâm lý khách hàng tiêu dùng nông thôn…
GS, TS NGUYỄN KẾ TUẤN
BPTT (Theo http://www.nhandan.org.vn)