Ngày 30/9, thực hiện mục tiêu đổi mới công tác kế hoạch hóa trong xây dựng Nông thôn mới theo hướng tăng cường sự tham gia của người dân, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội thảo – Tập huấn “Phổ biến quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cấp xã, thôn có sự tham gia”. Hội thảo – Tập huấn đã diễn ra thành công tại số 09, đường Lý Thường Kiệt, TP Huế.
Với chủ đề này, hội thảo thu hút 45 đại biểu đến tham dự. Đó là các đại biểu đến từ: Sở Kế hoạch và Đầu tư; UBND huyện Phong Điền; Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, phòng Tài chính Kế hoạch, phòng Thống kê thuộc hai huyện Phong Điền và Nam Đông; đại diện của tất cả UBND xã của hai huyện Phong Điền và Nam Đông và một số thôn đã tham gia thí điểm quy trình lập kế hoạch.
Trước đó, CRD đã phối hợp với sở Kếhoạch và Đầu tư và Ban quản lý dự án VIE/033 do tổ chức Luxembourg tài trợ biên soạn và thể chế hóa quy trình lập kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cấp xã, thôn có sự tham gia.
Thông qua sự kiện này, CRD đã giới thiệu “Sổ tay hướng dẫn lập kếhoạch phát triển Kinh tế- Xã hội cấp thôn, xã có sự tham gia” đã được thể chế hóa cho các cán bộ liên quan ở cấp huyện, xã ở 02 huyện Nam Đồng và Phong Điền hiểu và áp dụng…
Theo đó, đại biểu được lắng nghe 5 bài báo cáo, và các bài chia sẻ kinh nghiệm. Nội dụng chia sẻ chủ yếu tập trung giới thiệu tổng quan Quy trình đồng thời tập trung chỉ ra sự khác biệt giữa cách lập kế hoạch trước đây và cách lập kế hoạch mới trong phát triển kinh tế – xã hội cấp xã, thôn có sự tham gia.
Dịp này, đại diện tổ tư vấn, tổ lập kế hoạch của huyện, xã và thôn chia sẻ kinh nghiệm vềthực trạng của 04 địa phương đã thực hiện thí điểm quy trình lập kế hoạch mới.
Nhiều đại biểu đến tham dự hội thảo đã nêu lên thuận lợi và phân tích các khó khăn, vướng mắc sát với thực tếxung quanh các vấn đề như: nhân sự, tài liệu, tài chính… trong quá trình lập kế hoạch. Đồng thời, đề xuất một sốgiải pháp để nâng cao tính khả thi cho quá trình lập kế hoạch theo quy trình mới.
Tổng kết ý kiến các đại biểu đánh giá tại hội thảo, ông Trần Cảnh Thắng, CRD cho rằng: Quy trình lập kế hoạch mới không khác nhiều so với quy trình cũ chỉ từ 6 bước thành 7 bước, bổ sung bước 2 (lập kế hoạch thôn) nên cán bộ dễ nắm bắt và áp dụng nhanh.
Bản kế hoạch mới được lập công khai, minh bạch nên thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, theo dõi, giám sát của cộng đồng và các cơ quan liên quan. Quy trình mới đã chú trọng huy động cộng đồng đóng góp ý kiến và nguồn lực vào hoạt động đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, trong đó quyền làm chủ của nhân dân được nâng cao, nguyện vọng của nhân dân được thực hiện.
Từ đây, tính ưu việt của bản kế hoạch mới còn thể hiện trong việc lồng ghép không chỉ lĩnh vực kinh tế-xã hội mà cả môi trường, đặc biệt là phòng tránh rủi ro thiên tai, biển đổi khí hậu… tạo ra sự phát triển bền vững.
Hoạt động ý nghĩa này nằm trong khuôn khổ dự án Nâng cao hiệu quả trong xây dựng Nông thôn mới tại tỉnh Thừa Thiên Huế do tổ chức Arish Aid, đại sứ quán Ai Len tài trợ.
Bảo Hòa (CRD)