Vùng cát tỉnh Quảng Trị với diện tích khoảng 30.000ha có tiềm năng sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên đây cũng là vùng dễ bị tổn thương do thiên tai và biến đổi khí hậu. Nhìn nhận được vấn đề này, chính quyền và người dân địa phương đang tích cực tìm kiếm giải pháp tối ưu để phát triển sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Hình 1: Vùng đất cát sản xuất trồng trọt tại Hải Quế, huyện Hải Lăng
Hình 2: Người dân thôn Kim Long xã Hải Quế đang bàng hoàng về trận mưa từ ngày 11 đến sáng ngày 3/4/2013 làm hỏng toàn bộ diện tích dưa, ớt ước tính thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng
Trong khuôn khổ dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cát của tỉnh Quảng Trị (dự án FCL-12-01)” do Đại sứ quán Phần Lan tài trợ, từ ngày 12-17/4/2013Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hải Lăng, UBND huyện Triệu Phong và Trung tâm PTNT miền Trung thành lập nhóm công tác. Nhóm công tác đã ra quân khảo sát hiện trạng sản xuất và tác động của biến đổi khí hậu đến cây trồng, vật nuôi nhằm hỗ trợ tỉnh Quảng Trị xây dựng chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cát của tỉnh có lồng ghép biến đổi khí hậu.
Nhóm khảo sát gồm có 15 người gồm có chuyên gia của Viện Môi trường Nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, cán bộ Trường Đại học Nông Lâm Huế, một số cán bộ của Trung tâm Khuyến Nông – Khuyến lâm, Chi cục Thú y và UBND huyện Hải Lăng và UBND huyện Triệu Phong của tỉnh Quảng Trị.
Nhóm công tác đã chia thành các tổ công tác và trực tiếp khảo sát tại các xã Vĩnh Tú, Vĩnh Kim, Gio Mỹ, Gio Hải, Triệu Vân, Triệu Trạch, Hải Quế và Hải An. Bên cạnh việc khảo sát thực địa các xã, một số nhóm công tác đã có những cuộc tham vấn với lãnh đạo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Trị, UBND huyện Hải Lăng, UBND huyện Triệu Phong và tất cả các phòng nông nghiệp của 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng.
Hình 3: Đoàn công tác phỏng vấn người dân
Kết quả khảo sát bước đầu cho thấy, cây dưa, cây ném, cây ớt, cây lạc và các cây đậu khác là những cây trồng có tiềm năng để sản xuất tại vùng cát, tuy nhiên đây cũng là những cây dễ bị tổn thương do thời tiết. Bên cạnh đó, lợn là vật nuôi truyền thống và cũng có tiềm năng để tăng số lượng và mở rộng qui mô sản xuất thông qua gia trại và trang trại kết hợp xây dựng hầm biogas để giảm phát thải khí nhà kính giảm nhẹ biến đổi khí hậu.
Thời gian đến, nhóm công tác sẽ tiếp tục thu thập thêm một số thông tin, phân tích và xử lý số liệu để có cơ sở khoa học vững chắc cho chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cát của tỉnh có lồng ghép biến đổi khí hậu./.
Võ Chí Tiến (Theo Dự án FLC 12-01)