Ông nhấn mạnh rằng nếu chúng ta dùng nhiên liệu sinh học để thỏa mãn mức tăng 20% nhu cầu về các sản phẩm dầu thì sẽ “chẳng còn gì để ăn”. Do vậy, theo ông, việc trợ cấp để sản xuất loại nhiên liệu này là “không thể chấp nhận được về mặt đạo đức và không có tinh thần trách nhiệm”. Ông Lét-ma-thơ cho rằng tình trạng này sẽ tạo ra sự cạnh tranh ngày càng gay gắt về giá cả của ngô, đậu tương, lúa mì, còn đất canh tác sẽ trở nên khan hiếm, và nguồn nước cũng sẽ bị đe dọa.
Năm 2007, phát biểu tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, ông Gin Di-e-lơ (Jean Ziegler), một chuyên gia về lương thực của LHQ, đã kêu gọi hoãn trong thời gian 5 năm việc triển khai các sáng kiến về sản xuất nhiên liệu sinh học nhằm tránh tình trạng khan hiếm lương thực trầm trọng.
Trong khi đó, Tổ chức Lương Nông của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng việc tăng cường sản xuất nhiên liệu từ nông sản đang đe dọa an ninh lương thực của các nước Mỹ La-tinh.
Theo phóng viên chúng tôi tại Mê-hi-cô, báo chí Ôn-đu-rát ngày 23/3 đăng nhiều bài viết cho rằng Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê là khu vực có tiềm năng lớn về sản xuất nhiên liệu sinh học. Tuy nhiên, việc tăng cường sản xuất loại nhiên liệu này cùng với sự thay đổi nhanh về công nghệ có thể đe dọa an ninh lương thực, tác động mạnh đến môi trường, gây nhiều xáo trộn về nhu cầu và hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như góp phần đẩy giá các sản phẩm truyền thống của hầu hết các nước trong khu vực lên cao.
Báo chí Ôn-đu-rát đồng tình với quan điểm của FAO cho rằng cần phân tích một cách kỹ lưỡng tình hình dựa trên sự đa dạng và nhu cầu riêng của từng nước trong khu vực Mỹ La-tinh. Việc dùng ê-ta-non và nhiên liệu sinh học thay thế một phần xăng dầu do Mỹ và châu Âu xúc tiến đã khiến giá nông sản tăng đáng kể trong năm 2007, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc chiến xóa đói giảm nghèo.
Theo ICARD