Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Hơn 600 học sinh trường tiểu học số 1 Lộc Trì (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) cùng nhau tham gia sự kiện ngày hội “Chấm dứt trừng phạt thể chất và tinh thần, thúc đẩy giáo dục không bạo lực đối với trẻ” ngày 26/3 vừa qua.

600 học sinh tham gia ngày hội

Đây là một sáng kiến địa phương của trường Tiểu học số 1 Lộc Trì, nằm trong chuỗi hoạt động dự án Tăng cường năng lực cho các Tổ chức xã hội về Quản trị Quyền trẻ em do Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường ĐH Nông Lâm Huế thực hiện và Tổ chức Cứu Trợ Trẻ em tài trợ.


Trong ngày hội, học sinh từ khối lớp 1 – lớp 5 đã có nhiều góc hoạt động bổ ích và thú vị như: Đố vui để học về phòng chống bị xâm hại, kiến thức về quyền trẻ em, diễn tiểu phẩm truyền thông về quyền riêng tư, lớp học giới tính cho trẻ em gái, vẽ tranh về chủ đề chấm dứt trừng phạt thể chất và tinh thần.

Tiểu phẩm truyền thông về Quyền riêng tư của trẻ

Tham gia phần thi đố vui

Bên cạnh đó, đến với ngày hội, học sinh đã được tham gia các trò chơi mang tính đồng đội cao, rèn luyện các kỹ năng sống như: Kéo co, chuyền bóng, đạp xe chậm, giật vè…


Em Mai Thị Hà Trang (Học sinh lớp 5/1, Trường Tiểu học Số 1 Lộc Trì) chia sẻ: “Ngày hôm nay em cảm thấy được vui chơi bên thầy cô, bạn bè nhiều hơn và được cung cấp nhiều kiến thức bổ tích để hiểu rõ hơn về quyền của mình đồng thời tự bảo vệ bản thân, bạn bè khỏi bạo lực.
Theo thống kê từ giáo viên chủ nhiệm trường tiểu học số 1 Lộc Trì, ước tính khoảng 35% (200 em) học sinh thường bị phụ huynh la mắng và dùng roi vọt với từng mức độ khác nhau. Tuy nhiên dù ở mức độ nào thì nó cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ sau này. Sáng kiến địa phương của trường gồm chuỗi các hoạt động: Xây dựng hộp thư điều em muốn nói, buổi nói chuyện tại cộng đồng: Giáo dục như thế nào là tốt cho con trẻ, thành lập tổ tư vấn và ngày hội chấm dứt trừng phạt thể chất và tinh thần… hướng tới mục tiêu chấm dứt tình trạng trừng phạt thể chất và tinh thần học sinh của nhà trường nói riêng và trẻ em nói chung.
Qua sáng kiến, các thầy cô giáo của trường mong muốn cha mẹ trên địa bàn 3 thôn của xã Lộc Trì (đặc biệt là những gia đình thường xuyên xảy ra việc bạo hành trẻ) được nâng cao nhận thức về việc sử dụng các biện pháp giáo dục tích cực, chấm dứt tình trạng trừng phạt trẻ về thể chất và tinh thần đối với trẻ. Cộng đồng (nhà trường, gia đình, xã hội) phối hợp, thống nhất trong việc giáo dục, chăm sóc trẻ một cách tích cực. Đặc biệt, trẻ em sẽ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc và được tôn trọng.