Cuối tháng 6, những cánh đồng rạn nứt khô khốc, đồi cây héo hon, cỏ chết khô, sông Liên cạn trơ nước… hạn hán đang tàn phá huyện nghèo miền núi Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi. Chia sẻ với chúng tôi, bà Phạm Thị Rét (35 tuổi sống tại xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ) nói: “Năm nay nắng nóng khủng khiếp, may có cái chuồng bò thích ứng biến đổi khí hậu. Trâu bò không những có chỗ ở chắc chắn mà lại thoáng mát mùa hè, ấm vào mùa đông. Nếu không, chắc chúng cũng sẽ sống không nổi như đám ruộng kia rồi… Bây giờ mà thả trâu lên núi như hồi xưa, đến cỏ cũng không có cho trâu ăn”.
Hạn hán là vấn đề nổi cộm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp Ba Dinh. ừ đầu tháng ư tới nay, xã Ba Dinh không có cơn mưa nào. Giếng cạn, suối sông cũng cạn, lúa và hoa màu đứng trước nguy cơ mất trắng mùa… 35 tuổi đây là lần đầu Rét chứng kiến miền quê Ba Dinh có đợt đại hạn kéo dài và khốc liệt như vậy. Trong chăn nuôi, nhiều hình thức thích ứng BĐKH được nghiên cứu đưa vào áp dụng. Một trong những giải pháp được ứng dụng phổ biến rộng rãi với hiện tượng thời tiết cực đoan chính là cải tiến chuồng. Nhằm hạn chế tác động tiêu cực của nắng nóng vào mùa hè, giá rét vào mùa đông thay đổi thiết kế chuồng bằng cách nâng nền và nâng cao mái chuồng để tạo độ thông thoáng, có bạt che, giàn chắn.
Trước đây, chăn nuôi trâu bò theo phương thức thả rông là một thói quen cố hữu của người dân H’re tại Ba Tơ. Họ thường xuyên thả trâu trên rừng hàng tuần, thậm chí hàng tháng mới vào kiểm tra một đôi lần. Cách chăn thả như vậy góp phần tạo cơ hội cho bọn trộm cắp hoành hành. Hàng xóm láng giềng lắm khi bị mất trâu bò sinh ra nghi kỵ, xích mích với nhau.
Đó là chưa kể đến tình trạng trâu chết đồng loạt do rét. Chị Rét kể: “Năm nào xã này cũng có trâu chết dọc con suối. Trâu chết rét. Mà rét mỗi năm mỗi khác”. “Chị nói khác là khác thế nào ạ”?, Tôi hỏi thêm. Chị Rét ngậm ngùi: “Thì mùa đông rét đậm, rét hại, sương muối nhiều hơn chứ sao. Còn mùa hè thì trâu chết khát, khát vì suối khô, trời lại lâu ngày chẳng có lấy trận mưa nào thấm đất. Cô chú cứ nhìn mấy sào ruộng đến thì trổ bông mà lá ngả vàng héo queo héo quắp thì biết”.
Bên cạnh đó, việc thả rông trâu bò ở rừng nhiều ngày còn là nguyên nhân cho bệnh dịch lây lan. Chính quyền địa phương khó có thể quản lý, đây cũng là lý do khiến lúc dịch bệnh xảy ra, lực lượng quản lý khó khoanh vùng, dập dịch.
Theo chị Rét, khoảng 5 năm trước rất ít hộ gia đình ở Ba Dinh biết lùa trâu về nhà khi mặt trời tắt bóng. Gia đình nào “tiến bộ” một chút mới làm chuồng, nhưng chuồng chỉ sơ sài vài ba tấm tôn rào chắn, đóng dăm bảy cọc cây… mùa hè chuồng ngột ngạt, nóng bức; mùa mưa bão về thì cũng không đủ đảm bảo an toàn. Cái nghèo vốn đeo đẳng người nông dân Ba Dinh, gặp khi bất ngờ thiên tai ập tới mất trâu, chết bò… nên nghèo lại càng nghèo thêm.
Chị Rét nói về hỗ trợ của Plan
Năm 2012, Dự án nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu lấy trẻ em làm trọng tâm do tổ chức Plan Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 4 xã huyện Ba Tơ trong đó có xã Ba Dinh. Đó cũng là lần đầu tiên chính quyền xã và cán bộ dự án về tuyên truyền hướng dẫn cho bà con xã Ba Dinh về chuồng trâu thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua đó, hướng dẫn bà con tham khảo hiệu quả sử dụng chuồng trâu bò từ một số hộ gia đình khác đã làm mô hình thí điểm thành công. Việc làm này nhằm giúp cho bà con tận mắt nhìn thấy chuồng đẹp, sạch, trâu bò sức khỏe tốt… thành quả do chuồng ứng phó biến đổi khí hậu mang lại.
Chuồng sạch, thoáng nên trâu sinh trưởng tốt
Thấy rõ được lợi ích của việc xây dựng chuồng trâu, lại là gia đình thuộc diện hộ nghèo tháng 3/2014 gia đình chị Rét được hỗ trợ 50% kinh phí dự án giai đoạn II để xây dựng. Chị Rét phấn khởi tự nguyện góp cây, công vào kinh phí làm chuồng cùng 1 triệu 3 trăm ngàn đồng để xây trụ. Còn các vật liệu như: sắt, đinh, xi măng, thợ… đã được dự án cung cấp.
Chuồng trâu của gia đình chị Rét được làm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, chắc chắn và rộng rãi. Qua một mùa đại hạn trên miền quê Ba Dinh nhưng chị thấy trâu sinh trưởng rất tốt, chuồng rộng, bao quanh lại là cây gỗ nên đảm bảo được sự thông thoáng cần thiết cho trâu. Chị Rét tâm đắc nhất là chuồng có máng ăn, máng uống dự trữ thức ăn cho trâu. Trước đây, để cho trâu ăn chị phải mất thời gian dắt trâu lên đồi thả. Bây giờ chị chỉ cần sáng cắt cỏ cho trâu ăn cả ngày rồi đi làm bóc keo thuê, đi làm ruộng… kiếm thêm thu nhập.
Chị Rét tâm đắc nhất là cái máng ăn cho trâu
Được biết, chị Rét một thân một mình tảo tần nuôi 2 con nhỏ ăn học, vốn gia đình thuần nông đời sống chỉ biết trông nhờ vào 2 sào ruộng mùa no mùa đói. Rồi ruộng cũng không cậy nhờ gì được nhiều nhặn, bởi những năm gần đây cũng như nhiều hộ gia đình ở Ba Dinh nhà chị Rét lâm cảnh mất mùa triền miên. Nay nhờ được dự án Plan hỗ trợ, 2 con trâu nhà chị phát triển tốt mà chị lại không quá nhọc nhằn trong việc chăn trâu. “Trời đại hạn, dân Ba Dinh tụi tôi năm nay chắc đói rồi. Giờ nhà biết nhìn vào đâu nuôi ba miệng ăn và các con đến trường ngoài 2 con trâu này. Nghe nói Plan cũng đang thí điểm trồng lúa thích ứng BĐKH, tôi mong sao mình cũng được chọn hỗ trợ mua giống”, chị Rét vừa nói vừa nhìn ra chuồng trâu đôi mắt long lanh lên một niềm vui giản đơn đến an lòng và đầy hi vọng…
Bảo Hòa