Từ ngày 12-16/12, Mạng lưới Quản Trị Quyền Trẻ Em Miền Trung (CCRG) tham quan học tập 4 mô hình tại 3 tỉnh Kom Tum – Gia Lai và Đắk LắK.
Hoạt động được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung tổ chức thông qua dự án Tăng Cường Năng Lực Quản Trị Quyền Trẻ Em Cho Các Tổ Chức Xã Hội Tại Miền Trung giai đoạn II do Save The Children tài trợ.
Đoàn tham quan gồm 15 người, là cán bộ, lãnh đạo của các tổ chức trong mạng lưới đến từ Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam.
Trong chuyến tham quan học tập, điểm dừng đầu tiên của đoàn ngày 13/12 là xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
Đoàn thăm quan đến làm việc tại UBND xã Hòa Phú, huyện Chư Păh
Tại đây, đoàn đã gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ và thu nhận nhiều kiến thức mới mẻ từ ban chỉ đạo mô hình “Ngôi nhà an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em”. Đáng chú ý các nội dung xoay quanh mô hình này, đó là: về việc thành lập ban chỉ đạo, áp dụng bộ tiêu chí đánh giá, sự phối hợp giữa các ban ngành, việc giám sát và kết quả thực hiện cũng như khảo sát thực tế tình trạng, hiểu biết của người dân. Bên cạnh đó, rất nhiều người trong đoàn tham quan học tập đã hào hứng với mô hình nhà an toàn với các kiến thức bản địa tại vùng đất có nhiều người đồng bào Jrai, Bana sinh sống. Theo ý kiến của trưởng thôn và các lãnh đạo của xã này, trẻ em là con em của người đồng bào Jrai, Bana thường được cha mẹ nuôi dạy, phát triển khá tự do hơn trẻ em người Kinh, tỉ lệ trẻ bị trừng phạt thể chất và tinh thần cũng thấp hơn so với trẻ em là con em của gia đình người Kinh. Ban chỉ đạo mô hình cũng chia sẻ thêm về việc vận động hơn 400 hộ dân tham gia mô hình là kết quả truyền thông tại địa phương đáng học tập.
Nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ
Sau khi làm việc với ban chỉ đạo, đoàn đã được giới thiệu đến tham quan các hộ gia đình áp dụng mô hình nhà an toàn phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ. Qua trao đổi với chủ hộ cũng như quan sát, đa số những nguy cơ tai nạn thương tích cho trẻ như: vật nhọn, dao, kéo, đồ điện đều được kê cao, phần sân được chú ý đầu tư để trẻ không bị té ngã. Đặc biệt, xã Hòa Phú là điểm nóng của huyện Chư Păh về tai nạn giao thông mà phần lớn nạn nhân là trẻ em, do đó, các gia đình đều chú ý đến cửa, ngõ, có hàng rào bảo vệ… Đồng thời, do được tập huấn nên ý thức về vấn đề bảo vệ an toàn cho con, cháu trong những gia đình này đều tốt.
Rời xã Hòa Phú, ngày 14/12 đoàn tham quan tiếp tục đến sở Lao Động, Thương Binh & Xã Hội tỉnh Kom Tum học tập về công tác liên ngành giữa lãnh đạo sở, đại diện các Trung tâm, tỏ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em.
Tại đây, đoàn đã được bà Huỳnh Thị Kim Liên, Trưởng Phòng Trẻ Em, Sở LĐTB&XH tỉnh báo cáo khá chi tiết đầy đủ về quản lý trường hợp năm 2017 . Thông qua đó, bà Kim Liên cũng cung cấp thêm những thông tin trong cách thực hiện dịch vụ công tác xã hội cấp tỉnh, thành phố. Nhiều kinh nghiệm hay được truyền đạt về kỹ năng tư vấn cho trẻ bị tự kỷ, mồ côi cha mẹ, trẻ có nguy cơ bỏ học, trẻ bị sang chấn tâm lý, trẻ bị xâm hại, …
Bà Huỳnh Thị Kim Liên báo cáo về công tác quản lý trường hợp năm 2017
Cũng tại chuyến thăm này, đoàn đã được chia sẻ trường hợp điển hình về một bé gái (11 tuổi) người đồng bào Jrai bị anh ruột (16 tuổi) xâm hại tình dục. Qua đó, bé gái và gia đình đã được tư vấn kịp thời về giải pháp tránh những tổn thương về thể chất và tinh thần cho trẻ. Đồng thời, chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi tham gia đối chất trong phiên tòa xét xử …
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã di chuyển đến xã Đắc Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh KomTum để tham dự buổi sinh hoạt với nhóm Trẻ Em Nòng Cốt Bảo Vệ Trẻ Em cấp tiểu học. Buổi sinh hoạt được tổ chức tại nhà văn hóa cộng đồng, cùng đoàn tham quan có rất đông người dân chủ yếu là bà mẹ trẻ và trẻ em người đồng bào Xơ Đăng đến xem.
Tham quan buổi sinh hoạt của nhóm trẻ nòng cốt bảo vệ trẻ em xã Đắc Ruồng
Chụp ảnh lưu niệm với các em trong nhóm trẻ nòng cốt
Các em trong nhóm trẻ em nòng cốt tự tổ chức sinh hoạt và có nhóm trưởng chỉ huy các nội dung chính một cách có hệ thống: Điểm lại nội dung đã sinh hoạt lần trước về nạn tảo hôn, nhảy dân vũ, thảo luận giải pháp giúp đỡ những bạn bỏ học, bị ba mẹ đánh đập hay có ý định lấy chồng sớm… trong trường học.
Các em được trang bị khá đầy đủ những kiến thức cơ bản để tự bảo vệ, tự tin trước đám đông và dám nói lên chính kiến của mình. Sinh hoạt của nhóm còn có người dẫn dắt, dạy các em thêm những điều mới mẻ khiến cho các em có động lực, hăng hái tham gia.
Hiện tại, xã Đắc Ruồng có 2 nhóm trẻ nòng cốt lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến tham quan 3 tỉnh Tây Nguyên lần này, ngày 15/12 đoàn đã có điểm dừng chân đặc biệt thăm ngôi chùa Bửu Thắng II tại thôn 1 xã Hòa Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
Chùa Bửu Thắng II – là mái ấm đang che chở cho 47 trẻ em mồ côi
Ngôi chùa hiện đang là mái ấm che chở cho 47 trẻ em mồ côi cả cha lẫn mẹ do Sư Cô Thích Huệ Huyền trụ trì. Ngôi chùa tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ em mồ côi mà mỗi em là một số phận riêng. Trong đó, có những em bị khuyết tật, có những em sư cô đã mở lòng từ bi để nuôi bà mẹ đơn thân không có khả năng nuôi con, muốn bỏ đứa bé để giữ các em lại trên cuộc đời.
Sự bảo trợ dành cho các em là tâm huyết, trách nhiệm, là tình yêu thương nhân hậu của các sư cô trong chùa. Các sư cô đã cố gắng tạo điều kiên tốt nhất để các em có phòng ăn, phòng ngủ, khám bệnh, sân chơi, xe đưa đón cho các cháu đi học… và không thấy mặc cảm vì hoàn cảnh của mình
Mặc dù mong muốn có thể tiếp nhận thêm nhiều trường hợp khác, nhưng hiện nay, chùa Bửu Thắng II cũng còn gặp nhiều khó khăn như những trung tâm, cơ sở khác v: học phí cho các em đến trường, trợ cấp về giáo dục, y tế…
“Chuyến tham quan học tập chỉ 5 ngày, với 4 điểm đến nhưng đã cho các thành viên những trải nghiệm lý thú về tình thương và trách nhiệm đối với thế hệ tương lai của đất nước, của gia đình. Những bài học trên đường đi sẽ hỗ trợ thêm cho chúng tôi trong việc lập kế hoạch và triển khai các hoạt động tại đơn vị mình cũng như mạng lưới trong thời gian tới. Đồng thời, cũng khiến các thành viên trong mạng lưới mới thành lập, kết nối và hiểu biết lẫn nhau nhiều hơn”, một thành viên trong đoàn tham quan bày tỏ.
BH