I. GIỚI THIỆU CHUNG
Với sự tài trợ của Đại sứ quán Phần Lan, dự án “Nâng cao năng lực thích ứng và đối phó với biến đổi khí hậu cho cộng đồng ở tỉnh Quảng Trị” trong giai đoạn 1 (2009-2011), đã mang lại những kết quả tốt đẹp. Mặc dù đã có những thành công nhất định nhưng các kết quả của dự án giai đoạn 1 vẫn còn mang tính thử nghiệm trên phạm vi, quy mô nhỏ. Các mô hình sản xuất còn đơn lẻ và chưa đa dạng và nhất là các hoạt động sản xuất của dự án chưa tính đến yếu tố thị trường nếu sản xuất trên qui mô lớn. Chính vì lẽ đó, Đại sứ quán Phần Lan tài trợ để tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cát của tỉnh Quảng Trị”. Thời gian thực hiện là 2 năm, bắt đầu từ tháng 7 năm 2012 đến tháng 6 năm 2014.
II. MỤC ĐÍCH, MỤC TIÊU VÀ HOẠT ĐỘNG
Mục đích của dự án là “Nâng cao khả năng thích ứng và giảm nhẹ BĐKH cho cộng đồng để phát triển SXNN bền vững theo định hướng thị trường tại vùng cát tỉnh Quảng Trị”.
Mục tiêu 1: Nhân rộng một số mô hình sản xuất nông nghiệp (SXNN) thích ứng và giảm nhẹ tốt với BĐKH đã có (ở giai đoạn 1), xác định và xây dựng thêm một số loại mô hình mới ở vùng cát tỉnh Quảng Trị.
* Các hoạt động chính:
– Xác định và chọn lựa sản phẩm để phát triển SXNN cho vùng cát.
– Nhân rộng một số mô hình SXNN thành công ở giai đoạn 1
– Lựa chọn và thử nghiệm một số cây trồng, vật nuôi (mới) và phương thức sản xuất cây, con này để thích ứng với BĐKH
– Nhân rộng một số loại mô hình mới từ các kết quả của nghiên cứu hành động
– Tổ chức tham quan học tập cho người dân và chính quyền địa phương
– Tổ chức hội thảo, hội nghị đầu bờ để công bố, đánh giá và nhân rộng các mô hình
– Tham quan học tập ở các vùng lân cận để nhân rộng mô hình của dự án
Mục tiêu 2: Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho cộng đồng để hướng đến phát triển SXNN bền vững trong bối cảnh BĐKH.
* Các hoạt động chính:
– Tập huấn về tổ chức nhóm, điều hành sản xuất và kinh doanh nông nghiệp cho người dân
– Thiết lập nhóm nông dân cùng hợp tác sản xuất.
– Hình thành mạng lưới các nhóm cùng sản xuất và kết nối với doanh nghiệp
– Xây dựng nhãn hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp có khả năng sản xuất hàng hoá của địa phương
– Xây dựng các tờ rơi quảng cáo, video clips về qui trình sản xuất và quảng bá một số sản phẩm.
Mục tiêu 3: Vận động và lồng ghép BĐKH vào chiến lược phát triển SXNN ở vùng cát
* Các hoạt động chính:
– Đào tạo BĐKH và SXNN cho một số cán bộ ngành nông nghiệp
– Tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm để công bố kết quả và vận động chính sách
– Hỗ trợ xây dựng chiến lược phát triển SXNN ở vùng cát theo hướng hàng hóa, thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.
– Tư liệu hóa, công bố các thành quả và kinh nghiệm của dự án
III. NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG
1. Dự án phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp.
2. Bám sát mục tiêu đích, mục tiêu của dự án để hoạt động.
3. Công khai minh bạch về kế hoạch hoạt động và tài chính của dự án.
4. Huy động tối đa sự tham gia của các bên liên quan, nhất là sự đóng góp tích cực của người dân.
5. Tận dụng lợi thế của các cơ quan chuyên môn địa phương, các trường đại học trong và ngoài nước.
6. Xác định trách nhiệm rõ ràng giữa các bên liên quan.
7. Lồng ghép với các chương trình, dự án khác trong vùng khi thực hiện.
8. Chú trọng tính bền vững của dự án, vấn đề giới.
V. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN
Dự án được triển khai chủ yếu tại 3 xã Triệu Giang, Triệu Vân, huyện Triệu Phong và xã Hải Quế, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bên cạnh đó, một số hoạt động cũng sẽ được thực hiện trên phạm vi cấp tỉnh, cấp huyện.
VI. CÁC CƠ QUAN THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung
2. Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Trị
3. UBND huyện Triệu Phong và UBND huyện Hải Lăng
4. UBND các xã Triệu Giang, Triệu Vân và Hải Quế
5. Các phòng Nông nghiệp và PTNT và các Trạm khuyến nông của huyện Hải Lăng và Triệu Phong
6. Mạng lưới, nhóm sản xuất, hợp tác xã
7. Một số doanh nghiệp kinh doanh về nông tại Quảng Trị và một số tỉnh khác.