Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Người dân Hương Nguyên, đặc biệt là đồng bào Cơ Tu có nét đẹp văn hóa truyền thống về bảo vệ rừng với quan niệm “Kiêng cử, giữ rừng”. Rừng đối với bà con nơi đây không đơn thuần là môi trường sống mà hơn thế, rừng là “ân nhân vĩ đại”, vừa linh thiêng vừa gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Trong đó, tình yêu dành cho thiên nhiên, cho núi rừng được thể hiện qua những câu chuyện cổ, những bài ca dao hay điệu hát dân ca.

Trao giải các tác giả tham gia cuộc thi

Cuộc thi sáng tác thơ ca “Yêu thiên nhiên – Thiên nhiên đền đáp” do Huyện đoàn A Lưới tổ chức với sự tài trợ của Chương trình các đự án nhỏ – Quỹ Môi trường toàn cầu – chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, sự tư vấn của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung sau 3 tháng phát động đã tạo được cảm hứng cho người dân tham gia. Cuộc thi nhận được 13 tác phẩm trong đó có 2 ca khúc cải lời từ làn điệu Cà Lơi, A Dền truyền thống và 11 bài thơ viết theo thể tự do, thơ lục bát.

Những tác phẩm đạt giải cao được vinh danh

Cuộc thi được bà con nhân dân và cán bộ xã Hương Nguyên tích cực hưởng ứng.  Từ đó, mỗi bài thơ, bài ca đều có nguồn mạch từ tình yêu quê hương, thiên nhiên, rừng núi trong sâu thẳm mỗi tâm hồn mỗi người, mang đến cách nhìn mới mẻ của người trẻ và cách ứng xử  với vị “Ân nhân vĩ đại”.

Các tác phẩm xuất sắc là tác phẩm sáng tác mang đậm dấu ấn của thiên nhiên như ca khúc rừng núi và muông thú đã đạt giải nhì cuộc thi sáng tác thơ ca. Chúng tôi xin được trích giới thiệu bài thơ Bức Tranh Quê Hương của em A Rét Thị Hiền, sinh viên trường ĐH Sư Phạm, một người con của thôn Chi Đu Nghĩa:

Bức tranh quê hương trong tâm khảm mỗi người mỗi khác. Nó không chỉ là những gam màu, những câu từ mà còn có khi được dệt, được tô vẽ bằng ngôn từ ngồn ngộn kỷ niệm, nỗi nhớ. Hình ảnh:

Quê hương tôi với tên gọi Hương Nguyên

Mang trong mình sự bình yên đến lạ

Con suối nhỏ với ruộng đồng bát ngát

Vang tiếng trong ngần giọng hát Cơ Tu!

 

Quê hương tôi rừng núi bát ngát xanh

Cảnh tiên đẹp tươi Giàng ban tặng để dành

Rừng Apró, rừng Kăn Tôm ngào ngạt

Hương tràm hương dẻ trong lành.

 

Hương Nguyên tôi ngừời người thân thiện

Luôn tươi cười khi khách đến nhà thăm

Mời chén trà tỏ lòng thương mến

Khi trở về mong lắm nỗi tơ vương…

 

Nhớ khi xưa quê tôi bao mái tranh nghèo

Đường gập ghềnh cha nhức mỏi đôi chân

Mẹ gồng gánh trong đêm trời mịt tối

Mồ hôi ướt cho mát chỗ tôi nằm!

 

Quê hương ơi! bát cơm mẹ nóng hổi

Nỗi nhớ Hương Nguyên thơm nức lối về

Giờ ngang Tà Lương nhà ai đèn sáng

Chân trần của cha đã đỡ vết chai sần

 Khi nghĩ về cảnh vật hay “đôi chân mẹ gồng gánh trong đêm trời mịt tối, mồ hôi ướt cho mát chỗ tôi nằm” đã lay động đến cảm xúc của người đọc, người nghe.

Em A Rét Thị Hiền nhận giải khuyến khích tại lễ trao giải

 Được biết, 6 tác phẩm được lựa chọn phổ biến lần này, đó là “Nhớ rừng” của tác giả Nguyễn Văn Thiên, “Rừng núi và muông thú” của tác giả Nguyễn Trường Chiến, “Hương Nguyên Ta Đó” của tác giả Trần Công Trình, “Hương Nguyên Vượt Đèo” tác giả Lê Hồng Lâm, Hương Nguyên trong tôi tác giả Trần Thị Thanh Loan và Bức tranh quê hương của A Rét Thị Hiền.

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với  phát triển sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần khu bảo tồn thiên nhiên Sao La tỉnh Thừa Thiên Huế.