Hình 1: Mô hình nuôi gà Ta (gà Kiến) vàng rơm của hộ gia đình chị Bùi Thị Uyên, thôn Sinh Thái, xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị
Từ lâu, người ta biết đến xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong là một xã ven biển, với phần lớn diện tích là cát trắng bạc màu, địa hình là cồn cát, đụn cát trắng. Nhưng ít ai biết rằng, cũng chính những “đụn cát” ấy đã mang lại điều kiện thuận lợi trong chăn nuôi cho người dân nơi đây. Điều ngạc nhiên đó là các mô hình nuôi gà ở xã Triệu Vân hầu như rất ít bị dịch bệnh. Gà ở đây được thị trường chấp nhận và rất dễ bán. Không chỉ người dân trong thôn khẳng định, cán bộ và những người làm công tác thú y tại xã cũng chia sẻ với chúng tôi điều này. Đặc biệt, từ sau khi có sự hỗ trợ của dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cát Quảng Trị” (FLC-12-01), do Đại sứ Quán Phần Lan tài trợ, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung thực hiện, thì người dân nơi đây đã xem trọng con gà hơn. Nuôi gà thả vườn có quản lý dịch bệnh đã mang lại hiệu quả kinh tế cho hầu hết các hộ được dự án hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật.
Nắm bắt được lợi thế của địa phương, dự án FLC-12-01 đã hỗ trợ người dân thực hiện mô hình nuôi gà thả vườn có quản lý dịch bệnh và hướng đến thị trường. Giống gà dự án hỗ trợ là giống gà ta/địa phương vàng rơm do Viện Chăn nuôi Hà Nội cung cấp. Gà nuôi trong vòng 03 tháng, đạt khối lượng từ 1,2 – 1,6kg/con. Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Uyên ở thôn Sinh Thái cho biết thêm: “Người dân địa phương rất ưa chuộng giống gà này. Giá gà bán dịp Tết nguyên đán cao hơn rất nhiều so với ngày thường”. Tết năm nay, gia đình chị Uyên cho bán 50 con, ước tính đạt 6 triệu đồng. Hay như gia đình anh Đinh Minh Tiến, với 100 con, trừ tiền vốn, thuốc thý y gia đình anh lãi hơn 4 triệu đồng.
Hình 2: Giống gà ta vàng rơm có ngoại hình đẹp, lông vàng, mào đỏ thắm.
Tính đến nay, tại thôn Sinh Thái đã có 16 hộ dân được dự án hỗ trợ mô hình nuôi gà thả vườn có quản lý dịch bệnh. Không chỉ hỗ trợ người dân con giống, dự án còn hỗ trợ người dân trong việc kết nối với thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm với giá cả hợp lý nhất. Nếu như ở Triệu Vân là gà, đậu đen xanh lòng, thì ở Hải Lăng là nén, dưa gang, … cũng đều được liên kết với các doanh nghiệp địa phương, giúp người dân tránh được tình trạng được mùa mất giá. Đây cũng là một điểm mới trong dự án và đang được phát huy. Từ thành công của mô hình nuôi gà này, dự án đã tiến hành các buổi chia sẻ kinh nghiệm nuôi gà thả vườn, tham quan học tập kinh nghiệm để nhân rộng ra cộng động.
Điều này đã giúp người dân giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi.
Hi vọng trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của dự án cũng như sự ủng hộ của chính quyền địa phương người dân xã Triệu Vân nói riêng và vùng cát ven biển tỉnh Quảng Trị nói chung sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa từ các mô hình chăn nuôi./.
Thực hiện: Thanh Hà