Nằm ở khu vực Bắc Trung Bộ, Quảng Trị là một trong các tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Nơi đây, khí hậu khắc nghiệt cùng với những thay đổi khí hậu bất lợi trong những năm lại đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Từ thực trạng trên, dự án “Tăng cường khả năng thích ứng và giảm nhẹ BĐKH trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cát của tỉnh Quảng Trị” (FLC-12-01) do Đại sứ Phần Lan tài trợ và Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD) cùng Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện đã đáp ứng được nhu cầu bức thiết của người dân và chính quyền địa phương.
Dự án triển khai thí điểm tại 3 xã Triệu Vân, Triệu Giang, Hải Quế. Các xã dự án đại diện cho hệ sinh thái tiêu biểu của vùng cát hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong được đánh giá là nơi biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt nhất. Hơn ai hết, người dân đang cần lời giải cho bài toán sinh kế trong bối cảnh biến đổi khí hậu (BĐKH). Trước đây, đến việc nghĩ làm thế nào để sản xuất được trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt đã khó, chẳng ai nghĩ đến việc có thể làm giàu trên mảnh đất lũ lụt và hạn hán hoành hành hàng năm.
Ảnh: hậu quả sau bão tại Quảng Trị
Sau thành công của dự án FLC-09-01 dự án FLC-12-01 là sự tiếp nối những kết quả đã đạt được nhằm đạt được các mục tiêu nhân rộng và xây dựng mới một số mô hình sản xuất nông nghiệp thích ứng và giảm nhẹ với BĐKH. Nâng cao khả năng tiếp cận thị trường cho cộng đồng hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững trong bối cảnh BĐKH. Vận động và lồng ghép BĐKH vào chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cát.
Ảnh: khởi động dự án
Từ cách tiếp cận trên, theo anh Ngô Văn Chung, cán bộ chuyên trách của dự án: qua 2 năm thực hiện, đến nay dự án đã nhân rộng được mô hình trồng ném trên đất Hải Quế và ớt ở cả ba xã dự án (Triệu Giang, Triệu Vân và Hải Quế). Năng suất bình quân của ném củ là 100Kg/1 sào, ném cây là 100-120kg/1 sào mang lại thu nhập 70 triệu đồng/1 ha. Đối với mô hình trồng ớt 198 hộ được dự án hỗ trợ nhân rộng mô hình thu hoạch cho năng suất đạt từ 750-1000kg/ sào. Giống ớt S20 và 2048 đưa vào thử nghiệm cây sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh và năng suất cao hơn giống ớt địa phương”.
Ảnh ớt cho năng suất cao
Ngoài những mô hình nhân rộng, dự án tiến hành nghiên cứu sản xuất, bảo quản giống lạc thích ứng BĐKH. Kết quả của nghiên cứu nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nảy mầm từ đạt trên 90%. Nghiên cứu bảo quản giống lạc đã mở ra hướng sản xuất mới cho người dân vùng cát. Xét về khía cạnh quản lý và hiệu quả kinh tế thì nghiên cứu này đã giúp cho địa phương chủ động và không còn phụ thuộc vào việc mua giống lạc từ nơi khác về như những năm trước đây. Bên cạnh đó, hoạt động nhân rộng mô hình trồng dưa gang trái vụ tại xã Hải Quế có 25 hộ tham gia. Dưa gang trái vụ cho năng suất thấp hơn (1500kg/sào so với 2400kg/sào chính vụ) nhưng giá bán cao gấp 4 lần so với chính vụ. Hiệu quả kinh tế ước tính đạt 3,5 triệu/sào.
Ảnh Mô hình thâm canh lạc là hướng đi mới cho bà con vùng cát
Anh Ngô Văn Chung cũng cho biết: Hoạt động nhân rộng mô hình thâm canh lạc trên đất cát có 103 hộ hưởng lợi với diện tích tổng cộng là 07 ha đã được thực hiện tại 02 xã Triệu Vân và Triệu Giang. Đến nay lạc đã được thu hoạch. Kết quả thu hoạch cho thấy năng suất lạc tại xã Triệu Vân là 100–110kg/sào và xã Triệu Giang là 120-140kg/sào. Cây lạc đã phát huy được thế mạnh ở vùng đất khô hạn chuyển đổi. Các kỹ thuật can thiệp để giúp lạc thích ứng với xu hướng biến đổi khí hậu tại các xã đã phát huy tác dụng.
Từ việc thử nghiệm các mô hình và nhân rộng mô hình thâm canh thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, dự án FLC-12-01 tích cực trong việc giúp nông dân vùng cát tìm lối đi để tiếp cận thị trường. Nói là làm, vừa qua hai huyện Hải Lăng và Triệu Phong đã chứng giám hai xã Hải Quế và triệu Giang công bố nhãn hiệu sản phẩm ném và đậu đen xanh lòng. Hai sản phẩm có nhãn mác này chính thức đưa vào sử dụng trên thị trường trong niềm vui phấn khởi của bà con nông dân và chính quyền địa phương. Việc xây dựng nhãn mác vừa có được sự tin cậy, yên tâm của người tiêu dùng khi được kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đăng ký nhãn mác góp phần giúp cho sản phẩm nông nghiệp dễ dàng tiếp cận với các thị trường tiềm năng như siêu thị và khắp cả nước.
Ảnh công bố nhãn hiệu
Ngoài việc hỗ trợ xây dựng nhãn mác, dự án đã hình thành và kiện toàn 07 nhóm sản xuất nông nghiệp hướng đến thị trường theo khu vực địa lý tại 3 xã dự án. Dự án cũng đã tổ chức hướng dẫn cho các nhóm lập kế hoạch sản xuất kinh doanh và tiếp cận các thông tin thị trường cho các sản phẩm tại các nhóm. Hiện nay, các nhóm tự tổ chức và duy trình hoạt động sinh hoạt của mình với những kiến thức và kỹ năng mà dự án đã hướng dẫn. Thông tin thị trường về giá mua/bán của một số sản phẩm tại các chợ lớn được liên tục cập nhật. Các bản thông tin này đã giúp cho các thành viên trong các nhóm của mạng lưới có đầy đủ thông tin để quyết định đối tác và thời điểm mua/bán thích hợp nhằm hạn chế được tối đa tình trạng ép giá cục bộ của các thương lái.
Ảnh người dân vui cười, hạnh phúc đang thu hoạch vụ mùa
Như vậy, những thành công của dự án đã giúp cho sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Quảng Trị không những thích ứng với khí hậu khắc nghiệt của vùng cát mà còn giúp cho người dân liên kết cùng nhau sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của mình tốt hơn. Nông dân vùng cát tỉnh Quảng Trị từ nay có thể an tâm sản xuất trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt và từng bước định hướng để tự tin tìm cho mình một cơ hội làm giàu.
Bảo Hòa, Trung tâm PTNT miền Trung Việt Nam