1. GIỚI THIỆU
Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế đang hợp tác với Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên Việt Nam (WWF-Việt Nam) thực hiện dự án “Tăng cường vai trò cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn, giai đoạn 2” tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự án do tổ chức Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển (Sida) tài trợ.
Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2028, các cộng đồng và tổ chức xã hội (TCXH) sẽ quản lý bền vững 5.000 ha – 5.500 ha rừng theo mô hình quản lý rừng cộng đồng (QLRCĐ) tại tỉnh Thừa Thiên Huế thuộc khu vực Trung Trường Sơn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và ổn định sinh kế của các cộng đồng thông qua tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định và thực hiện, đồng thời được hưởng các lợi ích được chia sẻ công bằng từ việc quản lý tài nguyên rừng.
Mục tiêu ngắn hạn
– Các TCXH được nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý để hỗ trợ và nhân rộng mô hình QLRCĐ hiệu quả ở các tỉnh mục tiêu.
– Các TCXH sẽ tích cực tham gia đề xuất các chính sách và thúc đẩy thực hiện nhằm tạo điều kiện cho mô hình QLRCĐ hoạt động hiệu quả hơn.
– Các cộng đồng tham gia sẽ được nâng cao năng lực để quản lý và vận hành các mô hình QLRCĐ một cách hiệu quả tại các tỉnh mục tiêu.
– Có 50-70% hộ gia đình tham gia mô hình QLRCĐ được ổn định cuộc sống và tăng thu nhập từ 15-20% so với điều tra cơ sở ban đầu.
– Công nghệ số và các mô hình bảo tồn có hiệu quả khác được thử nghiệm và nhân rộng giúp tăng hiệu quả quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
– Năng lực và trách nhiệm của các cơ quan chức năng được tăng cường để đảm bảo quyền lợi của cộng đồng quản lý rừng và sự tham gia của họ trong các quá trình ra quyết định.
– Các hoạt động cải tiến và thực hiện chính sách về QLRCĐ được hỗ trợ bởi các nhà hoạch định chính sách và ra quyết định.
Rừng ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, hỗ trợ đa dạng sinh học và đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Rừng cung cấp các dịch vụ sinh thái thiết yếu, bao gồm hấp thụ carbon, điều tiết nước và cung cấp nguyên liệu thô, vai trò và chức năng của rừng là vô cùng thiết yếu đối với cộng đồng địa phương và môi trường toàn cầu. Tuy nhiên, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong quản lý rừng khi việc mất rừng rừng và suy thoái rừng vẫn đang diễn ra. Để ứng phó, chính phủ Việt Nam đã thực hiện một loạt các cải cách nhằm phân cấp quản lý rừng, chuyển từ cách tiếp cận tập trung do nhà nước kiểm soát sang cách tiếp cận có sự tham gia của nhiều bên liên quan ở cấp địa phương. Sự phân cấp này là một chiến lược quan trọng trong nỗ lực của đất nước nhằm bảo tồn và quản lý tài nguyên rừng, gắn kết bảo tồn rừng với các mục tiêu rộng hơn như phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Cùng với những nỗ lực này, đất lâm nghiệp ở Việt Nam đã được phân bổ cho nhiều chủ rừng khác nhau, bao gồm ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, hộ gia đình và cá nhân, nhóm hộ gia đình, các cộng đồng, các tổ chức kinh tế, các đơn vị vũ trang nhân dân, các tổ chức nghiên cứu khoa học. Luật Đất đai năm 2014 chính thức hóa vai trò của UBND xã với tư cách chủ thể quản lý, được giao rừng để quản lý tạm thời cho đến khi được giao cho chủ rừng được chỉ định.
Mặc dù có những kết quả nhất định thông qua phân cấp, sự tham gia của UBND xã vào quản lý rừng đã bộc lộ một số thách thức đe dọa tính bền vững của những nỗ lực này. Bản chất tạm thời quản lý của UBND xã, kết hợp với nguồn lực và thẩm quyền không đầy đủ, có thể cản trở việc bảo vệ hiệu quả và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên rừng. Ở một khía cạnh ngược lại, giao đất giao rừng cho cộng đồng quản lý đã chứng minh được tính hiệu quả của nó tại nhiều địa phương, góp phần tăng độ che phủ của rừng, phục hồi cảnh quan rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm xung đột cũng như cải thiện sinh kế cho cộng đồng. Tuy vậy, tại một số địa phương, rừng được giao cho cộng đồng quản lý còn chiếm diện tích khá khiêm tốn.
Xuất phát từ thực tế đó, đánh giá về công tác quản lý rừng của UBND xã có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các lựa chọn chính sách dựa trên bằng chứng nhằm thúc đẩy quản lý rừng một cách bền vững và hiệu quả. Dự án sẽ thực hiện nghiên cứu: “Đánh giá công tác quản lý bảo vệ rừng do UBND xã quản lý”.CRD cần tuyển một tư vấn có năng lực để thực hiện hoạt động nghiên cứu này.
2. PHẠM VI CÔNG VIỆC
2.1. Mục tiêu của hoạt động
– Xác định hiện trạng rừng và công tác quản lý bảo vệ đối với rừng do UBND xã quản lý.
– Đề xuất các giải pháp phù hợp để quản lý có hiệu quả rừng do UBND xã quản lý.
2.2 Phạm vi và đối tượng nghiên cứu
2.2.1 Phạm vi không gian
– Xã Ca Dy và xã Tà Bhing của huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam
– Xã Mà Coi của huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam
2.2.2 Phạm vi nội dung
Hoạt động nghiên cứu chỉ tập trung vào rừng tự nhiên hiện đang được giao cho các UBND xã quản lý. Các loại rừng khác không thuộc hoạt động nghiên cứu này.
2.2.3 Đối tượng nghiên cứu
– UBND các xã được giao rừng quản lý.
– Các bên liên quan khác: Hội phụ nữ xã, Hội nông dân xã, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn; Hạt kiểm lâm. Đại diện các hộ gia đình sinh sồng gần các khu vực rừng do UBND xã tạm quản lý.
2.2.4 Nội dung nghiên cứu
– Khái quát tình hình kinh tế xã hội của các xã nghiên cứu.
– Đặc điểm diện tích rừng do UBND xã tạm quản lý và tình hình quản lý diện tích rừng này.
– Những vấn đề tồn tại trong quản lý diện tích rừng do UBND xã tạm quản lý.
– Đề xuất khuyến nghị để quản lý tốt rừng đã giao cho cộng đồng và diện tích rừng do UBND xã quản lý.
3. NHIỆM VỤ CỦA TƯ VẤN
– Tổng quan tài liệu về các chương trình, đề án giao đất giao rừng.
– Phát triển các công cụ thu thập thông tin: dự thảo các công cụ; lấy ý kiến góp ý; và hoàn thiện công cụ. Công cụ thu thập thập bao gồm: mẫu thu thập số liệu thứ cấp, công cụ thảo luận nhóm, phỏng vấn sâu cá nhân và phỏng vấn đại diện cộng đồng.
– Lập kế hoạch khảo sát thực địa: Phát triển kế hoạch thực địa chi tiết; phối hợp với điều phối viên dự án để trao đổi và thống nhất kế hoạch với các bên liên quan; gửi kế hoạch đến tất cả các bên liên quan; liên hệ và xác nhận với các bên liên quan.
– Thực hiện khảo sát thực địa: tiến hành các hoạt động thu thập thông tin theo các công cụ đã thiết kế và theo kế hoạch. Các hoạt động cụ thể là:
-
- Thảo luận nhóm: mỗi xã sẽ tổ chức 1 thảo luận nhóm với 10 tham gia (ít nhất 30% là nữ) bao gồm: 01 cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã, 01 cán bộ kiểm lâm địa bàn, 01 đại diện Hội nông dânxã, 01 đại diện Hội phụ nữ xã, 03 thôn trưởng và 03 đại diện Chi hội phụ nữ thôn.
- Phỏng vấn sâu cá nhân: 01 đại diện lãnh đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, 01 đại diện lãnh đạo Hạt kiểm lâm của mỗi huyện và 01 đại diện lãnh đạo UBND của mỗi xã thuộc vùng dự án.
- Phỏng vấn đại điện cộng đồng: mỗi xã phỏng vấn 20 hộ bao gồm 02 hộ nghèo và 02 hộ cận nghèo và các hộ khác để thu thập các thông tin liên quan đến quản lý bảo vệ rừng cũng như ý kiến đánh giá của họ đối với hình thức quản lý rừng cộng đồng.
– Tổng hợp, phân tích thông tin và viết báo cáo: dự thảo báo cáo; lấy ý kiến góp ý; hoàn thiện và nộp báo cáo cuối cùng. Báo cáo bao gồm đầy đủ các nội dung theo yêu cầu ở Mục 2.3 và bố cục báo cáo bao gồm: Giới thiệu; Mục tiêu và nội dung; Phương pháp nghiên cứu; Kết quả nghiên cứu; Kết luận và khuyến nghị.
4. YÊU CẦU VỀ NĂNG LỰC CỦA TƯ VẤN
- Có trình độ Thạc sỹ trở lên về phát triển nông thôn, quản lý tài nguyên và môi trường hoặc các chuyên ngành liên quan khác.
- Có kinh nghiệm tối thiểu 5 năm kinh nghiệm thực hiện các đề tài nghiên cứu.
- Đã thực hiện ít nhất 2 hoạt động nghiên cứu tương tự.
- Có kinh nghiệm làm việc ở vùng núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
5. CÁCH NỘP HỒ SƠ
– Thư bày tỏ sự quan tâm
– Lý lịch khoa học (CV) của tư vấn
– Kế hoạch thực hiện
– Đề xuất định mức phí tư vấn
Hồ sơ nộp đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung trước 17h00 ngày 30/9/2024 theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org;
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Bà Lê Thị Minh Hải theo số điện thoại: 0234 3529749 (số máy lẻ: 0) và email: hailm@crdvietnam.org.
Điều khoản tham chiếu chi tiết xem tại đây.