1. GIỚI THIỆU
Dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn tại Trung Trường Sơn, giai đoạn 2” hay còn được biết đến với tên gọi là Dự án “Leading the change 2” hoặc “LtC 2” có mục tiêu là Đến năm 2028, các cộng đồng và tổ chức xã hội sẽ quản lý bền vững 11.000 ha -12.000 ha rừng theo mô hình quản lý rừng cộng đồng tại các tỉnh ưu tiên thuộc Trung Trường Sơn góp phần bảo vệ hệ sinh thái và ổn định sinh kế của các cộng đồng thông qua tham gia tích cực vào các quá trình ra quyết định và thực hiện, đồng thời được hưởng các lợi ích được chia sẻ công bằng từ việc quản lý tài nguyên rừng. Dự án do Tổ chức hợp tác phát triển quốc tể của Thuỵ Điển (Sida) tài trợ thông qua WWF-Việt Nam để thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam trong thời gian 5 năm (2024- 2028)
Ngày 14/2/2022 Bộ Nông nghiệp và PTNT và WWF-Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển nông nghiệp và tham gia đối tác một sức khoẻ tại Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Thoả thuận bao gồm nhiều lĩnh vực hợp tác như Lâm nghiệp, Bảo tồn động vật hoang dã, Đại dương, Quản lý nguồn nước và lưu vực sông, Bảo vệ môi trường, Quản lý rủi ro thiên tai, Biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học, Thương mại nông sản… Thoả thuận đã tạo nền tảng cho các hoạt động hợp tác sâu rộng, ngày càng phát triển và gắn bó giữa hai bên.
Việt Nam có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài dược liệu quý về công dụng chữa bệnh và có giá trị kinh tế cao sinh trưởng, phát triển trong các hệ sinh thái rừng, như: Sâm Việt Nam, Tam thất, Bảy lá một hoa, Lan kim tuyến, Đảng sâm, … để khai thác tiềm năng, lợi thế về rừng, thời gian qua, nhiều địa phương đã tập trung phát triển cây dược liệu, như các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Quảng Nam, Kon Tum. … Hoạt động gây trồng, phát triển cây dược liệu, nhất là một số loài cây quý, hiếm, cây có giá trị kinh tế cao trong hệ sinh thái rừng đã góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho các hộ gia đình nhận đất, nhận rừng, đặc biệt là người dân sinh sống ở vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số giúp phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh miền núi, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Pháp luật về lâm nghiệp chưa quy định về việc nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong 3 loại rừng, điều này gây ra những rào cản nhất định đối với các hoạt động nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong 3 loại rừng của các chủ rừng trong đó có cộng đồng dân cư và hộ gia đình được giao đất, giao rừng. Để tháo gỡ các vướng mắc này, Luật Đất đai (sửa đổi năm 2024), đã bổ sung một số nội dung trong đó có quy định “Nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất” tại Điều 248 Luật Đất đai năm 2024, theo đó chủ rừng phải xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt ‘Phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, phòng hộ, sản xuất’’, bao gồm các nội dụng chính quy định về việc sử dụng đất dưới tán rừng để nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu đảm bảo bền vững của khu rừng. Xuất phát từ nhu cầu này, cần thiết phải ban hành mẫu Phương án nuôi trồng, phát triển, thu hoạch loài cây dược liệu trong rừng, đáp ứng mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững, tạo nguồn thu nhập, phát triển sinh kế cho chủ rừng, cộng đồng và người dân địa phương tạo động lực để họ để bảo vệ rừng tốt hơn.
Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT và WWF-Việt Nam, Dự án cần tuyển một tư vấn hỗ trợ xây dựng Phương án nuôi trồng, phát triển, thu hoạch loài cây dược liệu trong rừng để hỗ trợ Cục Lâm nghiệp xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 248 của Luật Đất đai về “nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng”.
2. MỤC ĐÍCH CỦA HOẠT ĐỘNG
Gói tư vấn được thực hiện nhằm hỗ trợ Cục Lâm nghiệp xây dựng mẫu Phương án nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong cả 3 loại rừng, áp dụng cho chủ rừng là tổ chức và cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng để xây dựng dự thảo Nghị định hướng dẫn Điều 248 của Luật Đất đai về “nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng”.
3. PHẠM VI CÔNG VIỆC VÀ TRÁCH NHIỆM CHÍNH
– Khảo sát thực tế, thu thập thông tin, dữ liệu về đại diện một số dự án nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng.
– Xây dựng các Dự thảo Phương án;
– Lấy ý kiến, tổng hợp ý kiến góp ý; Báo cáo giải trình, tiếp thu
– Hoàn thiện mẫu Phương án “nuôi, trồng phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng”, tích hợp trong dự thảo Nghị định hướng dẫn: nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng
4. YÊU CẦU TƯ VẤN
– Trình độ Thạc sĩ trong lĩnh vực Lâm sinh, Quản lý tài nguyên rừng, các lĩnh vực khác có liên quan đến gây trồng, phát triển dược liệu dưới tán rừng.
– Ít nhất 20 năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực kể trên; đã từng thực hiện các đề tài, dự án, nghiên cứu về trồng, phát triển dược liệu trong hệ sinh thái rừng.
– Có kiến thức, hiểu biết sâu và kinh nghiệm về gây trồng, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, dược liệu trong hệ sinh thái rừng;
– Có quan hệ tốt với các cơ quan quản lý lâm nghiệp ở cả cấp quốc gia và cấp địa phương.
– Thông thạo tiếng Anh (4 kỹ năng); tin học văn phòng
– Có kỹ năng làm việc theo nhóm điều phối và quản lý.
5. CÁCH NỘP HỒ SƠ
– Thư bày tỏ sự quan tâm
– Lý lịch khoa học (CV) của tư vấn
– Kế hoạch thực hiện
– Đề xuất mức phí tư vấn
Hồ sơ nộp đến Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung trước 17h00 ngày 22/5/2024 theo địa chỉ email: office@crdvietnam.org;
Mọi thông tin chi tiết, vui lòng liên hệ Bà Lê Thị Minh Hải theo số điện thoại: 0234 3529749 (số máy lẻ: 0) và email: hailtm@crdvietnam.org
Thông tin tuyển dụng chi tiết vui lòng xem tại đây.