Mô hình ủ chua cỏ xanh lần đầu tiên được áp dụng tại Quảng Nam. Đây là mô hình sử dụng phế phụ phẩm trong trồng trọt như thân cây bắp, cỏ voi… Theo kỹ sư Phạm Thị Thu Thủy (Phòng Kỹ thuật – thông tin, Trung tâm Khuyến nông – khuyến ngư tỉnh), sở dĩ huyện Thăng Bình được chọn để thực hiện mô hình này bởi địa phương có tỷ lệ đàn bò lai lớn, lượng phế phụ phẩm nhiều ở các hộ dân như thân cây bắp, dây lạc, dây lang, diện tích cỏ voi trồng lớn nhưng nông dân chưa chủ động bảo quản. “Chúng tôi đã tiến hành tập huấn cho 10 hộ dân ở 2 xã Bình Quý và Bình Định Bắc về quy trình cũng như chuyển giao kỹ thuật ủ chua cho nông dân thực hành. Qua 2 tháng, bà con trên địa bàn đã biết làm thức ăn ủ chua cỏ xanh khá thuần thục, điều này đã đem lại lợi ích kép là tăng tỷ lệ tiêu hóa cho đàn trâu bò và tăng dinh dưỡng trong lượng cỏ đã ủ chua” – bà Thủy nói.
Mô hình ủ chua cỏ xanh được nhiều nông dân ở Thăng Binh thực hiện. Ảnh: P.H
Gia đình ông Nguyễn Văn Hạnh (xã Bình Quý, Thăng Bình) có 2 con bò giống lai Đài Loan, vườn nhà ông có 2 sào cỏ voi trồng 3 – 4 năm nay. Sau khi được tập huấn, ông thường xuyên áp dụng quy trình kỹ thuật như sau: cứ 100kg cỏ sau khi chặt và băm nhỏ, kết hợp với 6 – 7kg cám gạo (hoặc cám bắc), ½1kg muối trộn đều, nén chặt lượng cỏ được trộn hoàn chỉnh vào bao gạo và ủ từ 50 – 60 ngày là cho sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn. “Thiệt tình, nhiều lần theo dõi trên kênh VTV2 họ có hướng dẫn làm nhưng chúng tôi vẫn chưa hình dung ra, thấy mô hình này phần lớn bà con các tỉnh miền Bắc làm nhiều chứ miền Trung chưa thấy. Nay được các cán bộ ở tỉnh và huyện hướng dẫn, bà con ở đây rất phấn khởi. Trâu bò rất thích ăn loại thức ăn này. Qua theo dõi, chúng tôi thấy bò tiêu hóa tốt, lông mượt và tăng trọng nhanh” – ông Hạnh nói.
Theo bà Phạm Thị Nguyệt Ánh (chuyên viên Trạm Khuyến nông Thăng Bình), qua thời gian thí điểm, không chỉ riêng hộ ông Hạnh ứng dụng thành công mà có các hộ như Trần Văn Thời, Trần Văn Tâm, Dương Trung Hối có số lượng đàn bò nuôi từ 8 – 9 con cũng đều cho kết quả khả quan. Thời gian tới, trạm sẽ nhân rộng mô hình này ra các xã phía tây của huyện, đặc biệt những xã có quy mô đàn bò lớn như Bình Lãnh, Bình Trị, Bình Định Nam.. “Chúng tôi sẽ làm một chuyên đề về ủ chua cỏ xanh hỗ trợ cho người chăn nuôi và năm 2014 sẽ hoàn chỉnh mô hình này, hy vọng sẽ đem lại kết quả tốt nhất” – bà Ánh cho biết thêm.
Theo baoqunagnam.com.vn