Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Trong đợt giải ngân đầu tiên, quỹ phát triển sinh kế cho 7 hộ gia đình vay 70 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi bò bán thâm canh tại xã Hương Nguyên, huyện A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế).

Hoạt động do dự án Tăng cường năng lực bảo tồn tài nguyên rừng, đa dạng sinh học gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sống gần Khu bảo tồn thiên nhiên Sao La do Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu, chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tài trợ với sự tư vấn của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm Huế và huyện Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện A Lưới thực hiện.

Quỹ phát triển sinh kế đươc hình thành từ dự án nhưng thủ tục, định mức vay, lãi suất vay … tất cả cả đều do cộng đồng/nhóm hộ quyết định.

Theo anh Nguyễn Văn Kiêm, bí thư đoàn xã, trưởng ban quản lý quỹ phát triển sinh kế cho biết: Quỹ tín dụng có tổng số tiền là 280 triệu đồng. Trong đó, việc chọn hộ cho vay vốn được thực hiện chặt chẽ. 7 hộ tiên phong vay vốn mỗi hộ vay 10 triệu đồng và tự đóng góp thêm 30% số tiền để mua bò, trồng cỏ, làm chuồng. Giá trị mỗi con bò giống giao động từ 12 – 15 triệu đồng.

Vốn vay có lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng, trả lãi theo quý, trả gốc sau 18 tháng đã trở thành “đòn bẩy” nâng cao thu nhập cho những người dân có nguy cơ sống phụ thuộc vào rừng.

Đặc biệt, trong số 6 hộ vay vốn có chị Hồ Thị Nang (thôn Chi Đu Nghĩa) mạnh dạn đầu tư mua 2 con bò. Chị Hồ Thị Nang cho biết: “Vốn vay giúp tôi mua được một con bò giống như ý, vợ chồng bàn bạc gom góp mua thêm một con bò, trồng một sào cỏ dưới đất cao su, làm chuồng chắc chắn hơn”.

Ban quản lý quỹ phát triển sinh kế cùng chuyên gia của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), cán bộ  Phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện A Lưới đã giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích và tư vấn tận tình để người dân mua giống tại địa phương lân cận đảm bảo.

Bước đầu, người dân đã áp dụng các kiến thức được chuyên gia hướng dẫn trong nuôi và chăm sóc để bò phát triển tốt.