Chỉ trong 5 tháng thực hiện tại tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Trị có hơn 370 giáo viên, học sinh, sinh viên, phụ huynh đã được nâng cao nhận thức về thiên hướng tính dục, bản dạng giới và để rồi chính họ đã và đang góp phần xây dựng môi trường thân thiện với cộng đồng LGBT. Nhiều hoạt động như “tàu phá băng” giúp cho tiếng nói của cộng đồng LGBT được cất lên, được đồng cảm, thấu hiểu hơn tại miền Trung – nơi được xem là còn nhiều rào cản đối với cộng đồng này.
Thành viên của cộng đồng LGBT tự tin thể hiện tài năng tại buổi giao lưu – gặp gỡ
Đó là kết quả mang dấu ấn của dự án Thúc đẩy không phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT bao gồm trẻ em và thanh thiếu niên ở Khu vực miền Trung Việt Nam. Dự án được Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm Huế thực hiện với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao, thương mại và phát triển Canada thông qua Quỹ hỗ trợ phát triển sáng kiến địa phương.
Điểm nghẽn… phân biệt đối xử
Đến với khóa tập huấn khi còn lẫn lộn các khái niệm về đồng tính, song tính, chuyển giới. Cô Hán Thị Thành Vinh giáo viên môn giáo dục công dân, Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế) cởi mở thừa nhận rằng: “Lần đầu tiên tôi được tiếp cận thông tin về LGBT một cách chính thống thay vì tự tìm hiểu. Tôi đã được trải nghiệm và áp dụng vào việc giảng dạy ở trường. Sau khi tham gia khóa tập huấn, có học sinh trong cộng đồng đã phỏng vấn tôi khi làm một bài tập ngoại khóa: “Cô nghĩ sao nếu cô là phụ huynh của một người đồng tính, song tính hoặc chuyển giới? Tôi đã trả lời rằng: Cô không ở trong hoàn cảnh đó nhưng cô tin rằng phụ huynh ai cũng yêu thương con của mình kể cả người đó là ai chăng nữa. Quan trọng là các con hãy học tập tốt để tỏa sáng”: Qua đó, có những lời khuyên cho học sinh khi các em có gặp khó khăn vì chưa công khai với gia đình và trong trường”.
Cô giáo Vinh bên cạnh học sinh trong một buổi chia sẻ kinh nghiệm tại trường THPT Hai Bà Trưng
“Ồ thế à”, “Ra là như vậy”, nhiều giáo viên đã thốt thành lời với giảng viên và cán bộ dự án khi lần đầu tiên tham dự 2 khóa tập huấn về thiên hướng tính dục, bản dạng giới và xây dựng môi trường thân thiện với cộng đồng LGBT. Ngay khi khóa tập huấn kết thúc, nhiều thầy cô đã có ấp ủ ý định thay đổi các nội quy về đồng phục, nhà vệ sinh,… có tính chất phân biệt đối xử.
Bên cạnh đó, thông qua hội thảo, chương trình truyền thông giao lưu – gặp gỡ với những người trong cuộc…học sinh từ các trường THPT, các cơ quan quản lý giáo dục đã được cung cấp kiến thức về bản dạng giới, cùng nhau chia sẻ thảo luận giải pháp để có được môi trường thực sự an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên LGBT. Talk show Hãy để cầu vồng tỏa sáng do dự án đồng tổ chức với Đoàn Thanh niên của trường Đại học Khoa học Huế đã tạo ra cơ hội nâng cao nhận thức cho sinh viên. Thông qua hoạt động như đố vui và các trò chơi, lắng nghe những câu chuyện và quan điểm truyền cảm hứng của người trong cuộc, giảng viên, những người thành công trong cuộc sống.
Sự kiện Để cầu vồng tỏa sáng thu hút gần 300 sinh viên các trường Đại học Huế
Qua đó, dự án đã khơi thông được điểm nghẽn nguyên nhân của phân biệt đối xử hầu hết đều xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về khoa học và thực tế, giúp các em hiểu chính bản thân mình và vượt qua các định kiến của dư luận chưa đúng của xã hội.
Mỗi con người là một mặt trời
Tháng 1.2019, dự án phát động cuộc thi trên mạng xã hội với chủ đề: “Câu chuyện của tôi: Phía bên kia cầu vồng”. Chỉ trong một tháng, nhiều trang facebook LGBT Huế và những người ủng hộ, LGBT Đà Nẵng, LGBT Đại học Y Dược, các group kín của cộng đồng LGBT đã đồng loạt chia sẻ, lan tỏa thể lệ cuộc thi. Hàng chục tác phẩm văn học như truyện ngắn, thơ, tùy bút chất lượng, những lá thư điện tử hưởng ứng cuộc thi đã được gửi về dự án để chia sẻ về “lát cắt” số phận những người trong cộng đồng LGBT. Nội dung tác phẩm đa phần xoay quanh: Một câu chuyện tình dang dở, một nỗi day dứt vì ngỡ mình là người con có lỗi, một mảnh ghép của ký ức đan xen vào cuộc sống hiện tại… nhưng trên tất cả, là những giấc mơ đẹp đẽ về tình người, khao khát được khẳng định mình, sự bình đẳng, thể hiện sự hiện diện mạnh mẽ thông qua các tuyến nhân vật tự sự và trữ tình được dệt bằng khung cửi ngôn từ.
Gần 20 tác giả không chuyên từ các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Hà Nội đã hé mở thế giới nội tâm phức tạp, dễ thương, mong manh dễ tổn thương bởi các “va đập” định kiến, ý thức bằng ngòi bút trong sáng với trái tim đầy thấu cảm.
Trao thưởng các giả đạt giải cao trong cuộc thi
6 tác phẩm truyền cảm hứng nhất đã được tìm thấy và vinh danh trong một sự kiện trao giải thưởng cuộc thi và truyền cảm hứng được thực hiện sau đó với sự tham gia của 60 đại diện LGBT tại 5 tỉnh miền Trung. Nhà thơ Võ Quê, một thành viên ban giám khảo đã nói:
Sự gắn kết tinh tế giữa nội dung và hình thức diễn đạt của các tác giả đã làm xuất hiện những tác phẩm có sức sống, đa sắc màu về giới tính.
Cuộc thi viết lần này đã khép lại với những thành công nhất định. Khép lại để mở ra những trang đời mới, đó chính là sự chờ đợi của chúng tôi và của đông đảo người yêu văn học luôn quý thương từng số phận con người trên trái đất này:
Bảo Hòa