Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Từ tháng 4-9/2018, dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế” đã lập kế hoạch và phối hợp với hai đối tác Trung tâm Giáo dục và Phát triển và Trung tâm Con người và Môi trường triển khai các hoạt động tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai.

Các hoạt động đã triển khai tại địa phương đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ các cơ quan liên quan ở cấp tỉnh như: Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị và Đồng Nai, Hạt Kiểm lâm thành phố Đông Hà, Thị xã Quảng Trị và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng (Quảng Trị) và Hạt Kiểm lâm thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom (Đồng Nai), đặc biệt là các công ty/doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại địa phương.

Trong quý I&II, dự án đã triển khai các hoạt động gồm: Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan tại địa phương về VNTLAS và OCS; Đánh giá nhanh về nhu cầu xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai; Tư liệu hóa kết quả và tổ chức hội thảo phản hồi kết quả đánh giá cho các đối tác cấp tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp và; Triển khai các hoạt động truyền thông về dự án.

HỖ TRỢ CÁC DOANH NGHIỆP NHỎ TUÂN THỦ NHỮNG YÊU CẦU VỀ GỖ HỢP PHÁP ĐỂ THAM GIA HIỆU QUẢ VÀO CHUỖI CUNG ỨNG GỖ HỢP PHÁP TRONG NƯỚC VÀ QUỐC TẾ

  1. GIỚI THIỆU CHUNG

Ngày 11/5/2017, Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã ký tắt hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VPA/FLEGT), kết thúc tiến trình đàm phán kéo dài 06 năm. Văn bản VPA đã được công bố rộng rãi, theo đó ngành Lâm nghiệp sẽ cải tiến khung pháp lý về quản lý bảo vệ rừng, tăng cường năng lực của địa phương trong thực thi lâm luật, quản trị rừng và đảm bảo tính hợp pháp của gỗ để xuất khẩu vào thị trường Châu Âu. Hiện nay, Tổng cục Lâm nghiệp hiện đang hoàn thiện thiết kế chi tiết và hướng dẫn thực thi Hệ thống phân loại doanh nghiệp (OCS), một phần của Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp (VNTLAS).

Hệ thống phân loại doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong hệ thống cấp phép FLEGT và do đó cần được giám sát chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, giải trình và phản ánh mức độ tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp. Hiệp định VPA khẳng định cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan trong cơ chế giám sát việc thực thi Hiệp định đối tác tự nguyện (VPA) và VNTLAS.

Trong bối cảnh đó, Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung Việt Nam (CRD) cùng phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED) và Trung tâm Con người và Môi trường vùng Tây Nguyên (COPE) đang triển khai dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế”do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) tài trợ. Mục tiêu của dự án là: (i) Đánh giá nhu cầu kỹ thuật của các bên liên quan ở cấp địa phương để hỗ trợ cho doanh nghiệp và khả năng tuân thủ yêu cầu gỗ hợp pháp của các doanh nghiệp nhỏ; (ii) Nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội và các hiệp hội kinh doanh để họ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ; và (iii) Phát triển phương pháp tiếp cận giám sát có sự tham gia của các tổ chức xã hội trong tiến trình thực hiện VPA.

Từ tháng 4-9/2018, dự án đã lập kế hoạch và phối hợp với hai đối tác Trung tâm Giáo dục và Phát triển và Trung tâm Con người và Môi trường triển khai các hoạt động tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai. Các hoạt động đã triển khai tại địa phương đã nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực từ các cơ quan liên quan ở cấp tỉnh như: Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị và Đồng Nai, Hạt Kiểm lâm thành phố Đông Hà, Thị xã Quảng Trị và các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong và Hải Lăng (Quảng Trị) và Hạt Kiểm lâm thành phố Biên Hòa và huyện Trảng Bom (Đồng Nai), đặc biệt là các công ty/doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến và thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại địa phương.

Trong quý I&II, dự án đã triển khai các hoạt động gồm: Nâng cao nhận thức cho các bên liên quan tại địa phương về VNTLAS và OCS; Đánh giá nhanh về nhu cầu xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai; Tư liệu hóa kết quả và tổ chức hội thảo phản hồi kết quả đánh giá cho các đối tác cấp tỉnh và Tổng cục Lâm nghiệp và; Triển khai các hoạt động truyền thông về dự án

2. HOẠT ĐỘNG ĐÃ TRIỂN KHAI

2.1. NÂNG CAO NHẬN THỨC CHO CÁC BÊN LIÊN QUAN TẠI ĐỊA PHƯƠNG VỀ VNTLAS/OCS

Dự án đã hoàn thiện phương pháp và công cụ đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực cho các bên liên quan tại địa phương bao gồm: hướng dẫn đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực kỹ thuật các tổ chức xã hội và các cơ quan liên quan, công cụ khảo sát khả năng đáp ứng yêu cầu về gỗ hợp pháp và nhu cầu nâng cao năng lực của các doanh nghiệp gỗ. Tiếp theo, dự án đã tiến hành các cuộc tham vấn trực tiếp tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai với các cơ quan liên quan và tổ chức xã hội trong thời gian từ 14/6-28/6/2018. Tại Quảng Trị, dự án đã tiến hành tham vấn 16 lãnh đạo và cán bộ đến từ 11 cơ quan/tổ chức liên quan gồm: Chi cục Kiểm lâm, CLB Lâm nghiệp, Liên hiệp các Hội KH&KT, Trung tâm Phát triển xã hội và Tư vấn doanh nghiệp, Sở Công thương, Sở Lao động TB&XH, Sở TN&MT,… Tại Đồng Nai, có 13 lãnh đạo và cán bộ đã được tham vấn đến từ 6 cơ quan liên quan như: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi cục Kiểm lâm, Trung tâm xúc tiến thương mại, Hiệp hội gỗ và thủ công mỹ nghệ và Hiệp hội Cao su Việt Nam,…

Hoạt động tham vấn đã đạt được một số kết quả cụ thể như: Các cơ quan liên quan, các tổ chức xã hội và hiệp hội doanh nghiệp đã có những đóng góp ý kiến và bổ sung cho các câu hỏi về công cụ khảo sát doanh nghiệp, từ đó giúp nhóm tư vấn điều chỉnh để công cụ được hoàn thiện hơn. Thông qua hoạt động này, thông tin về VPA/FLEGT, VNTLAS/OCS cũng đã được chia sẻ và cập nhật đến các cơ quan liên quan giúp dự án xác định các tổ chức có tiềm năng tham gia vào các hoạt động của dự án, đặc biệt là hoạt động giám sát độc lập VNTLAS/OCS khi Hiệp định VPA/FLEGT được phê chuẩn và áp dụng.

Mặt khác, cũng thông qua tham vấn này dự án cũng đã thu thập một số thông tin về hoạt động sản xuất lâm nghiệp, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu gỗ của các công ty/doanh nghiệp đang hoạt động tại địa phương. Sau khi hoàn thiện phương pháp và công cụ đánh giá, dự án đã lập kế hoạch và triển khai hoạt động khảo sát doanh nghiệp tại hai tỉnh từ tháng 8/2018.

2.2. ĐÁNH GIÁ NHANH VỀ NHU CẦU XÂY DỰNG NĂNG LỰC CHO CÁC DOANH NGHIỆP TẠI HAI TỈNH QUẢNG TRỊ VÀ ĐỒNG NAI

Từ tháng 8/2018, dự án đã tiến hành 03 đợt khảo sát về khả năng tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp và nhu cầu xây dựng năng lực của các doanh nghiệp tại các thành phố/thị xã và các huyện thuộc hai tỉnh Quảng Trị (02 đợt: đợt 1 từ 2-3/8 và đợt 2 từ 15-17/8/2018) và Đồng Nai (7-10/8/2018). Trước khi tiến hành khảo sát, dự án cũng đã tiến hành 02 lớp tập huấn về phương pháp và công cụ khảo cho các điều tra viên, họ là những cán bộ chủ yếu đến từ các tổ chức xã hội và cán bộ kiểm lâm tại địa phương triển khai dự án.

IMG_1394

Khảo sát doanh nghiệp nhỏ tại tỉnh Quảng Trị

Tiếp theo, dự án đã phối hợp và nhận được sự hợp tác và hỗ trợ tích cực của Chi cục Kiểm lâm và Hạt Kiểm lâm các huyện tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai trong suốt quá trình khảo sát tại địa phương. Mặc dù theo thiết kế, dự án sẽ tiến hành khảo sát khoảng 420 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tuy nhiên đến nay dự án đã thu thập thông tin được 93 doanh nghiệp, bao gồm 45 doanh nghiệp tại Quảng Trị và 48 doanh nghiệp tại Đồng Nai.

Trên cơ sở thông tin thu thập, nhóm tư vấn đã tiến hành xữ lý số liệu và hoàn thiện báo cáo khảo sát, đây là thông tin đầu vào quan trọng của hội thảo khởi động dự án được tổ chức vào tháng 9/2018. Trong thời gian tới, dự án sẽ tiến hành khảo sát thêm 327 công ty/doanh nghiệp tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai nhằm đảm bảo số lượng doanh nghiệp theo thiết kế dự án và kết thúc hoạt động đánh giá. Dự kiến hoạt động khảo sát sẽ được tiếp tục triển khai kéo dài từ tháng 10-12/2018.

2.3. TƯ LIỆU HÓA KẾT QUẢ VÀ TỔ CHỨC HỘI THẢO PHẢN HỒI KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ CHO CÁC ĐỐI TÁC CẤP TỈNH VÀ TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế“ đã được Trung tâm PTNT miền Trung Việt Nam phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển và Trung tâm Con người và Môi trường tổ chức ngày 7/9/2018 với sự tham gia của 52 đại biểu đến từ nhà tài trợ FAO, Tổng cục Lâm nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan ở cấp tỉnh, các công ty/doanh nghiệp chế biến gỗ, các NGOs, CSOs đến từ các tỉnh Quảng Trị, Đồng Nai, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Hội thảo nhằm giới thiệu dự án đến các cơ quan liên quan, tham vấn kế hoạch hoạt động của dự án và tham vấn các bên liên quan về báo cáo đánh giá nhu cầu nâng cao năng lực kỹ thuật và khả năng tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp của các doanh nghiệp chế biến gỗ.

41378799_1288387667965266_9085429193524641792_o

Hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ những yêu cầu về gỗ hợp pháp để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp trong nước và quốc tế“

Hội thảo đã đạt được một số kết quả thông qua việc chia sẻ của TS. Josil P. Murray – đại diện nhà tài trợ FAO về nội dung “Thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp và quản trị rừng hiệu quả“ hay phần cập nhật về “Hệ thống đảm bảo gỗ hợp pháp của Việt Nam“ của Bà Nguyễn Tường Vân – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Lâm nghiệp. Tiếp theo, TS. Trương Quang Hoàng – Giám đốc Trung tâm PTNT miền Trung cũng đã giới thiệu đến các đại biểu tham dự về một số thông tin chung về dự án như: bối cảnh, mục tiêu, các hoạt động và kết quả mong đợi của dự án.

41303823_1288387637965269_3137710773527117824_o

TS. Josil P. Murray – đại diện nhà tài trợ FAO về nội dung “Thúc đẩy thương mại gỗ hợp pháp và quản trị rừng hiệu quả“  phát biểu tại hội thảo khởi động dự án

Quan trọng hơn, tại hội thảo TS. Phan Triều Giang – chuyên gia lâm nghiệp đã đại diện nhóm tư vấn đã chia sẻ về một số kết quả và các phát hiện chính trong quá trình đánh giá nhanh tại hai tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai thông qua một số nội dung chính như: nguồn gốc gỗ và sản phẩm gỗ sử dụng trong doanh nghiệp, mức độ đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp theo VPA, nhu cầu cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật về VNTLAS và OCS của doanh nghiệp, nhu cầu xây dựng năng lực của các CSOs và cơ quan liên quan.

Cũng tại hội thảo, “Cách tiếp cận của dự án và vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện dự án“ nhằm tăng cường năng lực cho các tổ chức xã hội, giúp các doanh nghiệp nhỏ đáp ứng các yêu cầu về gỗ hợp pháp của Bà Tô Kim Liên – Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Phát triển cũng đã được chia sẻ làm cơ sở giúp các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp chế biến gỗ tại 02 tỉnh cùng tham vấn và điều chỉnh kế hoạch hoạt động. Từ đó, các hoạt động sẽ được triển khai góp phần giúp các tổ chức xã hội được tăng cường năng lực để có thể hỗ trợ kỹ thuật giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn việc tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp để sẵn sàng tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng gỗ trong tương lai.

41197448_1288388087965224_1386530071530962944_o

Tham vấn về kế hoạch hoạt động

2.4. TRIỂN KHAI CÁC HOẠT ĐỘNG TRUYỀN THÔNG VỀ DỰ ÁN

Dự án đã xây dựng kế hoạch hoạt động truyền thông nhằm cung cấp thông tin và giới thiệu quảng bá dự án đến các tổ chức xã hội, các đối tác và các bên liên quan. Trong quá trình triển khai các hoạt động, dự án sẽ lồng ghép các hoạt động truyền thông thông qua các tài liệu và ấn phẩm/sổ tay được in ấn, từ đó mong muốn các tổ chức xã hội, các hiệp hội ngành gỗ và các bên liên quan có thể hỗ trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình chế biến gỗ tiếp cận và hiểu rõ hơn các yêu cầu về LD, VNTLAS và OCS để có thể tham gia hiệu quả hơn vào chuỗi cung ứng gỗ. Tờ rơi thông tin giới thiệu về dự án đã được hoàn thiện và thông qua hội thảo khởi động dự án, tờ rơi này cũng đã được gửi đến các đối tác, và các bên liên quan khác nhằm cung cấp một số thông tin giới thiệu về các hoạt động cũng như các kết quả mong đợi của dự án.

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TRONG THỜI GIAN TỚI

Mã HĐ Hoạt động Thời gian
  Kết quả 1: Đánh giá nhanh nhu cầu xây dựng năng lực của các bên liên quan tại 2 tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai  
1.2 Tiến hành đánh giá nhanh về nhu cầu xây dựng năng lực cho các doanh nghiệp tại 2 tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai 10-12/2018
  Kết quả 2: Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội và các đối tác địa phương nhằm hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ tuân thủ các yêu cầu về gỗ hợp pháp  
2.1 Tập huấn ToT để hướng dẫn OCS cho các đối tác địa phương 1-2/2019
2.2 Tập huấn giới thiệu VPA và VNTLAS cho các doanh nghiệp ở Quảng Trị và Đồng Nai 3-8/2019
  Kết quả 3: Các tổ chức xã hội và các hiệp hội tại địa phương có khả năng thực hiện giám sát độc lập/ có sự tham gia việc thực hiện VNTLAS/OCS  
3.1 Xây dựng chiến lược giám sát độc lập và thiết lập một mạng lưới các tổ chức xã hội, các tổ chức trồng rừng và hiệp hội ngành gỗ để giám sát việc thực hiện VNTLAS/OCS 10/2018-8/2019
3.2 Tổ chức hội thảo cung cấp ý kiến phản hồi và khuyến nghị cho VNFOREST và Cục Kiểm lâm quốc gia nhằm hỗ trợ cho việc xây dựng các quy định và đưa ra hướng dẫn hoạt động của OCS, giám sát VNTLAS/OCS và cơ chế khiếu nại VPA 9/2019
  Kết quả 4: Giám sát, đánh giá và triển khai các hoạt động truyền thông về dự án  
4.2 Đánh giá các hội thảo, hội nghị chuyên đề, tập huấn hoặc các sự kiện thông tin được tài trợ thông qua dự án 10/2018-9/2019
4.3 Nâng cao nhận thức và triển khai các hoạt động truyền thông về dự án 10/2018-9/2019

 4. ĐỐI TÁC THỰC HIỆN DỰ ÁN

FAO có trách nhiệm phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo, giám sát thực hiện dự án; đảm bảo phù hợp với thỏa thuận tài trợ; đảm bảo các kết quả mong đợi. Đặt dưới sự chỉ đạo chung của Tổng cục Lâm nghiệp, CRD sẽ phối hợp với CED và COPE và các đối tác khác như các cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp gỗ và các tổ chức xã hội khác tại 02 tỉnh Quảng Trị và Đồng Nai để thực hiện các hoạt động của dự án.


So do to chuc thuc hien

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ:

 

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung Việt Nam

Địa chỉ: 102 Phùng Hưng, TP Huế, Thừa Thiên Huế

Điện thoại: +84 234 3529749

Email: office@crdvietnam.org

Website: http://crdvietnam.org

  Trung tâm Giáo dục và Phát triển

Địa chỉ: Phòng 1502, Toà nhà 3A, khu đô thị RESCO, 74 Phạm Văn Đồng, Quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội

Điện thoại: +84 243 5627494

Email: cedhanoi@ced.edu.vn

Website: http://giaoducphattrien.com/

  Trung tâm Con người và môi trường

Địa chỉ: 39 Trần Phú, Phường 4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng

Điện thoại: +84-948 982 983​

Email: ​ cope.vn@gmail.com

 

0 0 đánh giá
Article Rating
Theo dõi
Thông báo của
0 Comments
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x
()
x