Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

Ngày 26.9, lần đầu tiên trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng (TP Huế) có buổi đối thoại học đường “Vì một môi trường học đường hạnh phúc”.

    Đối thoại học đường tại trường Trung học Phổ thông Hai Bà Trưng

Rất nhiều ý kiến của học sinh về cơ sở vật chất, nhu cầu nâng cao chất lượng dạy và học tập, đọc sách, hoạt động nhóm, áp lực điểm số, yêu cầu có môi trường học tập xanh, hướng nghiệp… đã được đại diện các học sinh toàn trường bày tỏ với thầy cô trưởng bộ môn và ban giám hiệu một cách mạnh dạn, thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Một số sáng kiến các em hiến kế để nhà trường quản lý giáo dục được tốt hơn.

Học sinh lớp 10 đặt các câu hỏi về nâng cao chất lượng giảng dạy

Học sinh lớp 12 đặt câu hỏi về thư viện và không gian học tập

Tiếp thu ý kiến của học sinh, Hiệu trưởng nhà trường, thạc sỹ Ngô Đức Thức đã trả lời chất vấn hết tất cả các câu hỏi, trong đó nói rõ vấn đề nào trường ủng hộ có thể hành động ngay, vấn đề nào trường sẽ lưu ý thay đổi dần dần. Ông cũng cho biết: Thực tâm, thầy rất thích hoạt động như thế này bởi có thể lắng nghe trực tiếp nguyện vọng của các em không qua khâu trung gian đôi khi thông tin bị mờ vì người truyền tải. Đồng thời, mong muốn trường sẽ duy trì hoạt động đối thoại thường xuyên. “Nếu có vấn đề nào cần chất vấn, các em có thể trực tiếp lên phòng Hiệu trưởng. Nếu đang bận việc thầy cũng sẽ dừng lại để nghe các em nói”, vị Hiệu trưởng khẳng định.

Phó hiệu trưởng trường Hai Bà Trưng trả lời câu hỏi của học sinh

Buổi đối thoại đã tạo ra không gian mở cho các em bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, trao thông điệp. Chính nhờ sự cởi mở, niềm tin của thầy cô dành cho các em đã khiến các em tự tin để nói lên những ý kiến rất đáng nghe.

Thạc sỹ Ngô Đức Thức, hiệu trường trường THPT Hai Bà Trưng trả lời hết tất các câu hỏi của học sinh

“Đừng để ai lên tiếng hộ mình” là một cuốn sách chiêm nghiệm làm nghề của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Cái tựa sách luôn khiến người viết suy nghĩ: Thế hệ nào mà đặc biệt là thế hệ trẻ cũng cần biết nói tiếng nói của trách nhiệm, lương tâm, trăn trở trước những điều nhỏ ảnh hưởng đến sự an toàn, cơ hội phát triển của chính mình như: “nhà xe thấp quá khiến em đi có cảm giác sắp bị bật ra sau”; “thái độ của cô chú giữ xe chưa được thân thiện”, “chúng em cần thêm các cuộc thi hùng biện để giữ kỷ niệm tuổi học trò”, “sân trường ổ gà làm các bạn nữ mặc áo dài có thể sẽ bị ngã”… Nói được những điều như thế tôi tin khi trưởng thành các em học sinh sẽ biết lên tiếng cho những điều lớn hơn, vì mình và vì mọi người hơn!

Hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Tăng cường Năng lực cho các Tổ chức xã hội về Quản trị Quyền trẻ em do Tổ chức Cứu Trợ trẻ em tài trợ với sự điều phối thực hiện của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm Huế.

Các giáo viên bộ môn Sử – Địa – Giáo dục công dân tích cực trong việc tổ chức 
Học sinh gửi thông điệp tới ban giám hiệu và các thầy cô giáo