Vùng gò đồi Phong Mỹ có khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với việc phát triển cây công nghiệp lâu năm nên người dân ở đây đã trồng được hơn 1.400ha cao su. Tuy nhiên, việc bón phân hóa học đã khiến đất đai ngày mỗi cằn cỗi, làm sản lượng mủ của cây “vàng trắng” ngày một giảm đi.

 

Ông Đỗ Xuân bên bể ủ phân hữu cơ vi sinh từ nguyên liệu rác thải nông nghiệp.

Gia đình ông Xuân trồng được 20ha cây cao su, hằng năm phải chi một khoản tiền lớn để mua phân bón hóa học. Trong lúc đang tìm cách tiết kiệm chi phí phân bón, ông phát hiện có một lượng lớn rác thải nông nghiệp được người dân địa phương thải ra mỗi ngày. Thế là ông nghĩ đến ý tưởng chế tạo phân hữu cơ vi sinh từ rác để bón cho cây cao su thay phân hóa học.

“Ý tưởng thì có, nhưng chưa biết làm bằng cách nào thì tình cờ vào cuối năm 2011, tôi được dự buổi tập huấn về cách phục hồi đất sản xuất bị suy thoái, qua đó biết được men vi sinh và các chế phẩm sinh học. Tôi đến Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế để tìm hiểu về các loại chế phẩm sinh học có thể dùng sản xuất phân hữu cơ vi sinh…”, ông Xuân nhớ lại.

Năm 2014, khi biết ông Xuân ấp ủ thực hiện mô hình tái chế rác thải nông nghiệp thành phân hữu cơ vi sinh, dự án nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thừa Thiên- Huế đã hỗ trợ gia đình ông 27 triệu đồng cùng một máy xát và trộn rác hữu cơ.

Ông đầu tư xây dựng 3 bể ủ và 2 kho chứa phân rộng hàng trăm mét vuông. Với những kiến thức tiếp thu được từ sách báo và các chuyên gia, nhà khoa học, ông Xuân bắt tay tạo ra những mẻ phân hữu cơ vi sinh đầu tiên bằng cách ủ theo phương pháp háo khí 3 tháng rồi trộn men vi sinh vào rác để quá trình phân hủy diễn ra nhanh.

Sau thời gian bón thử nghiệm cho cây cao su, ông Xuân vui mừng khi cây ra lá xanh tốt, mủ đặc và năng suất cao hơn.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn nghệ được trồng trong từng túi nhỏ được xếp thẳng tắp, ông Xuân không giấu được niềm vui, cho biết: “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ sản xuất phân hữu cơ vi sinh để dùng bón cho cây cao su thôi. Nhưng mà không ngờ phân này cũng rất hợp với các loại cây như gừng, nghệ, hồ tiêu, cam, quýt trồng ở gò đồi. Chỉ sau một thời gian ngắn bón phân thì cây xanh tốt do phân hữu cơ giúp đất tơi xốp, giữ độ ẩm và chất dinh dưỡng lâu hơn phân hóa học”.

Ngoài tận thu nguồn nguyên liệu rác thải từ nông nghiệp như rơm rạ, mùn cưa, các loại thân cây rau, ngô, bịch nấm hết hạn sử dụng lẫn phân gia súc thì ông Xuân còn thuê nhân công đi vớt bèo tây trên các sông để đưa về làm nguyên liệu chế tạo ra phân hữu cơ vi sinh.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế, ông Xuân chính là người đầu tiên ứng dụng thành công mô hình sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh ở địa bàn tỉnh.

Mời quý vị xem chi tiết tại đây: http://cand.com.vn/doi-song/Lao-nong-tai-che-rac-thai-nong-nghiep-thanh-phan-huu-co-443917/

Theo Anh Khoa báo Công an nhân dân