Năm 1945, dân số Việt Nam khoảng 20 triệu người. Lúc đó, độ che phủ rừng tự nhiên của nước ta khoảng 43%, đến năm 1995 dân số gia tăng lên đến gần 72 triệu người và độ che phủ rừng chỉ còn 28%. Trong 20 năm từ 1975 đến 1995 diện tích rừng tự nhiên mất đi 2.800.000ha, bình quân mỗi năm mất 140.000ha.
Đổi Mới trong kinh tế trong vòng 25 năm vừa qua tạo ra nhiều thay đổi cho diện mạo của đất nước, nâng cao đời sống của đại bộ phận người dân. Nhưng song song với quá trình phát triển nhanh chóng, chúng ta chứng kiến nhiều hơn các vấn đề ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường sống, mất mát tài nguyên. Cái giá của sự đánh đổi không phải là nhỏ.
Trong vòng 10 năm tới, theo tôi có bốn thách thức lớn trong lĩnh vực môi trường và tài nguyên thiên nhiên mà chúng ta phải đối mặt: tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu, mất mát đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, suy giảm chất lượng môi trường sống do ô nhiễm công nghiệp và đô thị hóa, tác động từ hoạt động phát triển trên thượng nguồn sông Mê Kông lên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tác động tích lũy và tương tác từ những thách thức này sẽ ảnh hưởng lên sinh kế, chất lượng cuộc sống của rất nhiều người. Đơn cử tác động kép của nước biển dâng do biến đổi khí hậu và thay đổi chế độ thủy văn do xây đập thủy điện phía thượng nguồn sông Mê Kông lên vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long có ảnh hưởng đến khoảng gần 20 triệu người sống trong khu vực này, đe dọa an ninh lương thực quốc gia. Mất đi hệ thống rừng tự nhiên và lá chắn xanh ven biển sẽ làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, chống chọi thiên tai – đặc biệt ở các khu vực có cộng đồng người nghèo ven biển và miền núi.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay, theo tôi định hướng phát triển kinh tế – xã hội cần phải tính toán đến các mối đe dọa hiện hữu này. Phải ưu tiên các giải pháp thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu cho các khu vực có nguy cơ cao và có đông người nghèo – đối tượng dễ tổn thương nhất trong các sự cố môi trường và thiên tai.
Chính phủ cũng cần có các chính sách quyết liệt hơn để giữ lại các hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị đa dạng sinh học. Bên cạnh duy trì “lá chắn xanh” để đảm bảo an ninh môi trường, cũng cần nhìn nhận rừng và các hệ sinh thái tự nhiên là nguồn tài sản to lớn cần gìn giữ. Trong bối cảnh thế giới đang tìm tiếng nói chung cho vấn đề biến đổi khí hậu, các giá trị sinh thái được ưu tiên để đầu tư gìn giữ. Nguồn tài sản này có thể mang lại giá trị kinh tế thực sự cho đất nước và cộng đồng địa phương thông qua các cơ chế tài chính các-bon trong tương lai.
Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ cân nhắc theo đuổi xu hướng phát triển nền kinh tế các-bon thấp, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả để thực sự hướng đến xã hội phát triển bền vững. Việc thay đổi chắc chắn không phải dễ dàng và đòi hỏi nhiều công sức, trí tuệ trong một thời gian dài. Tuy nhiên, nếu không thay đổi và vẫn chấp nhận đánh đổi lợi ích môi trường, sinh thái cho mục tiêu phát triển ngắn hạn thì e rằng chúng ta sẽ đi vào vết xe của các quốc gia khác đã đi qua!