Cancel Preloader
Một xã hội nông thôn phát triển bền vững, nơi không còn nghèo đói và con người sống có trách nhiệm với môi trường.

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Thành phố Huế, ngày 21.11.2020 – Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Ngày hội Lan toả yêu thương tại Phố đi bộ, ngã tư đường Chu Văn An – Võ Thị Sáu. Sự kiện trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội trong quản trị Quyền trẻ em” do CRD phối hợp với các bên liên quan thực hiện với sự tài trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em Quốc tế (Save the Children International).

       Lan tỏa yêu thương là chiến dịch thường niên được thực hiện từ năm 2017 và lần đầu tiên tổ chức tại Huế năm 2018. Năm 2020 chiến dịch với chủ đề “Giáo dục bằng yêu thương” tập trung vào nâng cao nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, thầy cô giáo, các bên liên quan và công chúng về loại bỏ những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần đối với trẻ em; tạo môi trường an toàn và tích cực để trẻ bày tỏ ý kiến và cùng giải quyết những vấn đề có liên quan đến trẻ; thúc đẩy phương pháp giáo dục không bạo lực trong quá trình nuôi dạy trẻ. Các hoạt động chính của chiến dịch bao gồm: tập huấn, đối thoại chính sách, sự kiện truyền thông ngoài trời, truyền thông trên mạng xã hội… Chiến dịch nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường năng lực các tổ chức xã hội trong quản trị quyền trẻ em” do tổ chức Cứu trợ Trẻ em  Quốc tế (Save the Children International) tài trợ.

Ngày hội có sự tham gia của đại diện Sở Lao động Thương binh & Xã hội, đại diện Sở Giáo dục và Đào Tạo, Đại diện Sở Y tế, đại diện đại diện Sở Văn Hóa & Thể Thao, Sở Ngoại Vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch, tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông và Vận tải…tỉnh Thừa Thiên Huế, đại diện Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam và hàng trăm phụ huynh, trẻ em, giáo viên, tình nguyện viên và các cơ quan thông tấn báo chí.

Mở đầu ngày hội, bà Phan Minh Nguyệt – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương Binh & Xã Hội tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu khai mạc. Trong đó, nhấn mạnh: Sự kiện truyền thông “Giáo dục bằng yêu thương” năm 2020 nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay bảo vệ trẻ em, tạo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em, giảm thiểu và dần tiến đến chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em. Thông điệp Chúng tôi muốn gửi gắm, lan tỏa trong cộng đồng năm nay là: Cha mẹ cần dành thời gian cho con, lắng nghe và thấu hiểu con; Cha mẹ, thầy cô giáo cần thực hành phương pháp giáo dục tích cực hàng ngày để vun đắp tình cảm gia đình, thầy trò và giúp trẻ phát triển toàn diện, tích cực; Cha mẹ, thầy cô giáo cần tăng cường khích lệ, động viên, nhìn vào quá trình tiến bộ của trẻ; Cha mẹ, thầy cô giáo cần chấm dứt việc so sánh, không phân biệt đối xử với trẻ; Trẻ cần chia sẻ cởi mở với thầy cô, bố mẹ những khó khăn và mong muốn của bản thân, lên tiếng khi bị bạo lực, xâm hại”.

Chị Đoàn Thị Thúy Hà, một phụ huynh tại thành phố Huế chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự chương trình và nhận thấy mình cần thay đổi vì con, yêu thương cả khi con sai lầm, phạm lỗi”.

Các thông điệp chính của chiến dịch cũng được chia sẻ tại ngày hội, bao gồm:

#không_đánh_con #không_quát_mắng_con #giáo_dục_tích_cực #lắng_nghe_tích_cực #đồng_hành_cùng_con #Cùng_con_tìm_giải_pháp

Chia sẻ về thông điệp của chiến dịch cũng như ngày hội, Ông Trương Quang Hoàng, Giám đốc CRD nhấn mạnh: Hi vọng rằng, đến với ngày hội hôm nay, các em nhỏ, các bậc phụ huynh và các bên liên quan sẽ có một góc nhìn rõ hơn về những hình thức trừng phạt thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ, đồng thời các thành viên trong gia đình sẽ có một khoảng thời gian ý nghĩa cùng nhau, chia sẻ với nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn, để tình cảm gia đình ngày càng khăng khít và bền chặt hơn.

Chúng tôi tin rằng trẻ em có thể lớn lên và hoàn thiện mà không cần đến những cách giáo dục đầy nước mắt. Điều mà mọi trẻ em cần là sự lắng nghe, sẻ chia và đồng hành từ cha mẹ, thầy cô và những người chăm sóc.

Ngày hội đã tạo ra một sân chơi để các bạn nhỏ và gia đình có cơ hội tìm hiểu về Quyền trẻ em và loại bỏ trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em, đặc biệt là trong gia đình. Các gia đình được chào đón bởi bầu không khí sôi động và vui vẻ của ngày hội với các hoạt động như trò chơi dân gian thú vị, tự tay sáng tạo những chiếc áo phông xinh xắn, làm thiệp nhắn gửi yêu thương, vẽ tranh thỏa sức sáng tạo, thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc với những bài hát dễ thương và truyền tải những thông điệp giáo dục tích cực như: (1) Đồng diễn Dancesport Nhóm thiếu nhi Hue Talent; (2) Giọng ca nhí Ngọc Quỳnh bài nắng có còn xuân; (3) Liên khúc Latin Dancesport: Minh Tuệ – Linda…

Tại khu vực sân khấu chính của ngày hội, các trò chơi tương tác như “Thử tài đoán vật”, “Phá tan rào cản”, “Thử thách mức độ hiểu nhau giữa bố mẹ và con” “Vòng quay may mắn” thu hút đông đảo các gia đình tham gia. Những trò chơi này không chỉ mang đến những giây phút thư giãn, vui vẻ và phần quà hấp dẫn cho cả gia đình mà còn giúp các bạn nhỏ cũng như bố mẹ hiểu biết thêm về quyền trẻ em và những cách thức giáo dục tích cực mà không cần dùng đến đòn roi hay những lời quát mắng. Mong rằng sau chương trình, bố mẹ và các con sẽ tích cực chia sẻ và lắng nghe để thấu hiểu nhau hơn, trở thành những người bạn thân thiết và cùng đồng hành với nhau.

Để tìm hiểu thêm về những phương pháp giáo dục và kỷ luật tích cực, phụ huynh, giáo viên và người chăm sóc trẻ có thể theo dõi trang  Fanpage Quản trị Quyền Trẻ em – CCRG hoặc CRD VietNam.

Về Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung thuộc trường Đại học Nông Lâm Huế được thành lập năm 1995 theo quyết định số 73/QĐ-TC của Giám đốc Đại học Huế.

Đối tượng phục vụ của Trung tâm là người nghèo, dân tộc thiểu số và các nhóm đối tượng bị tổn thương, nhất là phụ nữ và trẻ em.

CRD chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực:

– Phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị

– Quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

– Quản trị tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học.

– Các chủ đề xuyên suốt: 1) Quản trị tốt; 2) Bảo vệ trẻ em; 3) Bình đẳng giới; 4) Văn hóa truyền thống

Các loại hình hoạt động gồm: đào tạo, nghiên cứu, tư vấn vận động chính sách và truyền thông.

Về Tổ chức Cứu trợ Trẻ em

Tổ chức Cứu trợ Trẻ em là một trong những tổ chức phi chính phủ hàng đầu thế giới hoạt động vì trẻ em.  Chúng tôi bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 1990 với dự án dinh dưỡng tại tỉnh Thanh Hóa. Kể từ đó, chúng tôi đã mở rộng các chương trình, gồm sáu lĩnh vực chính: Giáo dục, Sức khỏe và Dinh dưỡng, Bảo vệ Trẻ em, Quản trị Quyền Trẻ em, Giảm nghèo cho Trẻ em, Giảm nhẹ rủi ro thiên tai và Ứng phó Khẩn cấp. Chúng tôi hiện có mặt ở 22 tỉnh trên cả nước với các văn phòng tại Hà Nội, Lào Cai, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện các chương trình, chúng tôi hợp tác với các cơ quan chính phủ, tổ chức xã hội, khu vực tư nhân cũng như các viện nghiên cứu.

 

Liên hệ truyền thông:

(Ms) Phan Thị Hòa – Cán bộ Truyền thông

Điện thoại: 093.179.9986

Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (CRD), Đại học Nông Lâm, Đại học Huế

Địa chỉ: Số 102 Phùng Hưng, Thuận Thành, Thành phố Huế

Website: www.crdvietnam.org

Fanpage CRD Vietnam: https://www.facebook.com/www.crdvietnam.org

Fanpage Lan toả yêu thương: Quản trị Quyền Trẻ em – CCRG